(LĐ online) - Hè về, trẻ em chơi gì và chơi ở đâu? Đó là điều mà nhiều năm nay lãnh đạo địa phương vẫn đang “tìm lời giải”.
Học mà chơi, chơi mà học
Với chủ đề “Mùa hè vui khỏe, lành mạnh, bổ ích hướng tới Festiavl hoa Đà Lạt”, chương trình hoạt động hè 2011 của TP. Đà Lạt kéo dài từ 01/6 đến 05/8. Nếu tách hoạt động của Đoàn thanh niên với khá nhiều nội dung thì hoạt động dành cho trẻ em, đặc biệt là sân chơi hiểu theo nghĩa rộng, vẫn còn khiêm tốn, chưa thể nói đã đáp ứng nhu cầu tối thiểu của trẻ em trong thành phố.
Nhưng dẫu sao những nỗ lực của các đoàn thể và các ngành của Đà Lạt tạo một mùa hè vui chơi cho trẻ em trong khả năng có thể vẫn đáng trân trọng và ghi nhận. Theo Phó Bí thư Thành Đoàn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo hè Đà Lạt Trần Đức Nam, hè này có một lớp dạy bơi thí điểm (lấy từ 1 lớp của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi); tổ chức giải bóng đá thiếu niên nhi đồng tại 16 xã phường và sau đó thi đấu toàn thành phố; 1 giải bóng đá U13; liên hoan văn nghệ thiếu niên nhi đồng, triển lãm tranh,… Hè này Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh cũng đã có mặt bằng để tổ chức các lớp năng khiếu như tiếng Anh, vẽ, võ thuật, thể dục nhịp điệu… sau mấy năm không có chỗ.
“Học kỳ quân đội” do Tỉnh Đoàn tổ chức là mô hình rèn luyện kỹ năng sống đang được các bậc phụ huynh quân tâm theo đuổi. Một điểm mới năm nay nữa, đó là hoạt động của 40 sinh viên tình nguyện về với 3 xã Xuân Thọ, Tà Nung, Xuân Trường, những sinh viên này sẽ trực tiếp tổ chức các hoạt động dân sinh và vui chơi cho các em ở vùng này.
Trò chơi ngoài trời luôn thu hút các em nhỏ. |
Sân chơi thiếu
Bàn đến khu vui chơi giải trí của trẻ em Đà Lạt nói riêng, trẻ em là du khách nói chung, ông Trần Đình Văn thừa nhận đây là hạn chế của địa phương nhiều năm nay. Loại hình trò chơi nghèo nàn, sân bãi vui chơi gần như không có. Dĩ nhiên không thể sánh những khu vui chơi giải trí có quy mô lớn cho trẻ em như ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Dương…nhưng cũng có bậc phụ huynh đã so sánh Đà Lạt với thị trấn huyện Đức Trọng.
Với loại hình vui chơi giải trí, muốn phát triển đương nhiên phải theo hướng “xã hội hóa”. Nhưng tại sao Đà Lạt thiếu khu vui chơi giải trí tương xứng với tầm một địa chỉ du lịch trọng điểm của cả nước ? Có thể chia sẻ phần nào với ông Trần Đình Văn rằng, Đà Lạt chịu 6 tháng mùa mưa nên du khách đến ít, trong lúc đồ chơi để ngoài mưa nắng sẽ nhanh chóng hư hao, do đó hiệu quả lợi nhuận thấp nên không có nhà đầu tư nào mặn mà hợp tác. Và còn nhiều lí do khác như không có đất rộng trong nội thành, quy định về kiến trúc đô thị, nguồn ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng nổi…Nhưng, dù là nguyên nhân gì thì trách nhiệm vẫn thuộc về người lớn và phải từng bước khắc phục.
Trưởng Ban Trần Đình Văn nhận xét: một vài điểm tổ chức vui chơi giải trí cho trẻ em bên hồ Xuân Hương như đầu đường Yersin, đường Nguyễn Thái Học-Bùi Thị Xuân “thực chất là của tư nhân chỉ tận dụng mặt bằng, thiếu đầu tư chuyên nghiệp nên trở nên nhếch nhác và lèo tèo”. Điểm vui chơi tạm bợ đường Yersin, mùa hè này đã bị dở bỏ để giải phóng mặt bằng xây dựng Quảng trường. Đối với khu vui chơi giải trí Nguyễn Thái Học, mặc dù có khuôn viên 7,5 ngàn m2 với vị trí đắc địa, nhưng sau 12 năm hoạt động từ chỗ 16 trò chơi phong phú, hấp dẫn như games, xe điện, xe đua, xe đụng, xe lửa, đu quay ngũ hình, đu quay thẳng đứng, đu văng, hỏa tiễn, nhà banh, nhà bong bóng, ngựa quay, thuyền đụng, xích lô, con sâu, con cá, bây giờ chỉ còn một ít trò chơi và hạ tầng xuống cấp bệ rạc do không đầu tư.
Thay vào đó, năm nay, lần đầu tiên trẻ em Đà Lạt có một điểm chơi mới, đưa vào sử dụng đầu tháng 6 vừa rồi. Đó là Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu niên Lâm Đồng ở đường Đinh Tiên Hoàng, phường 2. Song, với khuôn viên 6 ha (thu hồi từ cơ sở của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) hiện mới đưa vào sử dụng một số trò chơi ngoài trời và một sân khấu không thể nói là tối ưu khi mưa lớn. Các trò chơi cũng chỉ mới có một ít trò đơn giản như xích đu, đu quay, bập bênh, cầu trượt,…; đáng lưu tâm hơn là sân cỏ bẩn ướt khi mưa, chưa có không gian để trẻ em tham gia các trò chơi vận động như đạp xe, ngồi xe điện…Điều này cũng giải thích vì sao cứ mỗi buổi chiều hàng trăm bậc phụ huynh và trẻ em Đà Lạt tụ tập về Công viên Yersin để con trẻ chơi các trò chơi do một số tư nhân cho thuê.
Theo ông Văn, sau năm 2013 khu vui chơi công cộng này mới có thể hoàn thành tất cả các hạng mục đưa vào sử dụng. Một tín hiệu vui nữa là đến khoảng năm 2013, quần thể văn hóa Quảng trường Đà Lạt bên hồ Xuân Hương hoàn thành thì chắc chắn sẽ có nhiều thú vui chơi bổ ích cho thanh thiếu niên và nhi đồng, trong đó có các trò chơi trong nhà và cả bãi thả diều.