Hội cựu giáo chức với việc khuyến học ở cơ sở

04:06, 29/06/2011

Với thiên chức của mình, không ít nhà giáo khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục cống hiến cho công việc xã hội, góp sức khuyến học khuyến tài, vận động con em địa phương hằng ngày đến lớp.

Với thiên chức của mình, không ít nhà giáo khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục cống hiến cho công việc xã hội, góp sức khuyến học khuyến tài, vận động con em địa phương hằng ngày đến lớp.

Nhà giáo K’Hành là một điển hình. Ngay khi về hưu, ông đã tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương. Với cương vị là Bí thư Chi bộ thôn B’Đơr, xã Lộc An, Bảo Lâm, ông đã thuyết phục bà con là đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn từ bỏ việc phá rừng, phát nương làm rẫy, tham gia trồng chè, trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống. Để đưa điện về thôn trên quãng đường dài gần 4 km, bằng uy tín của mình ông đã đến từng nhà để vận động mọi người trong thôn cùng đóng góp trên 550 triệu đồng để làm đường dây, nối điện đến từng nhà. 13 năm liền làm Bí thư, Chi bộ ông luôn đạt trong sạch vững mạnh, đời sống người dân trong vùng nay đã có những chuyển biến đáng kể. 

Thành lập từ tháng 5 - 2005, Hội Cựu giáo chức (CGC) Lâm Đồng đến nay đã có 64 tổ chức cơ sở hội, trên 1800 hội viên ở 99/148 xã phường trong tỉnh. Trong đó, theo một thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 220 người đảm nhiệm các chức danh chủ chốt các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương từ huyện đến xã, thôn như K’Hành. Đây là những cán bộ giáo viên từng công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, nay dù đã về hưu, nhưng không ít người vẫn mong muốn tiếp tục đóng góp kinh nghiệm cho địa phương nơi mình cư trú.

Không chỉ thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình CGC gương mẫu làm điểm sáng trong cộng đồng, động viên con cháu trong gia đình dòng họ học hành, các thầy cô giáo về hưu còn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Một tổng kết của các cấp hội tại Đà Lạt, Bảo Lộc và ở các huyện như Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh cho thấy trong năm qua 100 % gia đình CGC đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Những huyện còn lại đạt thấp nhất cũng 91% trong đó 79% gia đình đạt chuẩn gương mẫu. Trong 3 năm gần đây, Hội CGC toàn tỉnh đã đóng góp trên 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai trong và ngoài tỉnh; vận động tài trợ trên 120 triệu đồng giúp nhiều hộ dân khó khăn sửa chữa nhà ở.

Với giáo dục đào tạo, lĩnh vực mà các các cấp hội CGC từ khi thành lập đến nay luôn đặt lên hàng đầu, Hội luôn chủ động phối hợp với Sở GD ĐT Lâm Đồng, Công đoàn ngành xây dựng các hoạt động liên tịch hằng năm. Trên tinh thần tự nguyện, các thầy cô giáo về hưu tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương, vận động học sinh đến lớp, chống bỏ học, tham gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở.

Theo báo cáo của các Huyện Hội, hầu hết các hội viên CGC ở huyện hiện nay đều tham gia hội Khuyến Học và làm công tác khuyến học. Nhiều CGC giữ các chức vụ chủ chốt của Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở, làm nòng cốt cho công tác khuyến học ở từng địa phương. Nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực được tiến hành như dạy kèm học sinh yếu kém không thu tiền, đến nhà vận động phụ huynh đưa con em bỏ học trở lại trường, đưa trẻ đến lớp đúng độ tuổi. Điển hình như như Hội CGC Lâm Hà trong nhiều năm qua đã vận động  trên  250 học sinh bỏ lớp tiếp tục đi học trở lại. Nhiều hội CGC phối hợp với Hội Khuyến học địa phương cùng chính quyền cơ sở xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Một số hội viên có điều kiện đã đứng ra mở trường tư thục mẫu giáo và phổ thông, tiêu biểu là nhà giáo Lưu Thị Ngọc Tuyết ở Di Linh, nhà giáo Nguyễn Xuân Lương ở Đạ Tẻh.

Theo Ban Chấp hành Hội CGC Lâm Đồng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp hội đang hướng đến trong công tác khuyến học ở địa phương là việc tham gia quản lý, giảng dạy ở các trung tâm học tập cộng đồng, góp phần tham gia cùng nhà trường, chính quyền cơ sở giải quyết những vấn đề bức xúc như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội đang thâm nhập vào thanh thiếu niên. Hội cũng khuyến khích các tổ chức hội và hội viên có điều kiện mở trường ngoài công lập, mở các lớp dạy kèm, phụ đạo, ôn tập, luyện thi theo đúng qui định của ngành chuyên môn; tham gia các đề tài khoa học có liên quan đến chức năng và phù hợp với khả năng của hội.

Viết Trọng – Tuấn Hương