Sau 6 tháng triển khai thí điểm, mô hình “tổ dân phố” thay thế cho “khu phố” đã bộc lộ những bất cập.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 4 đơn vị triển khai thí điểm mô hình thành lập tổ dân phố là phường II và phường IX (Đà Lạt), phường B’Lao (Bảo Lộc) và thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng). Ghi nhận tại phường B’Lao, sau 6 tháng triển khai, mô hình đã sớm bộc lộ những trở ngại. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Bí thư Đảng ủy phường B’Lao: Việc triển khai mô hình đã làm cho bộ máy nhân sự “phình to” quá cỡ. Từ 7 khu phố với 21 cán bộ, nay tăng lên 28 tổ dân phố với 84 cán bộ (mỗi tổ dân phố có 3 cán bộ gồm Bí thư Chi bộ, tổ trưởng và trưởng ban công tác mặt trận). Đây là số cán bộ được hưởng chế độ theo quy định Nhà nước, chứ chưa tính đến số cán bộ đoàn thể. Bên cạnh đó, chất lượng cán bộ cũng không thể đảm bảo được, do việc bố trí cán bộ phải “gò ép” cho đủ số lượng theo yêu cầu.
Việc cân đối kinh phí phụ cấp từ ngân sách cho 84 cán bộ tổ dân phố trong phường là vấn đề nan giải. Ông Đặng Quang Giàu - Chủ tịch UBND phường B’Lao, cho biết: “Riêng về kinh phí hoạt động, đến thời điểm này Sở Tài chính cũng chưa cân đối theo mô hình thí điểm. Do đó, trước mắt UBND thành phố và Phòng Tài chính Bảo Lộc phải cân đối theo kinh phí hoạt động của năm 2011 theo mô hình cũ (khu phố) và nguồn kinh phí này chỉ đủ chi trả cho cán bộ tổ dân phố trong 5 tháng. Đến nay, nguồn kinh phí này đã hết và chưa có nguồn nào để tiếp tục chi trả”. Ngoài việc thiếu kinh phí để chi trả phụ cấp cho cán bộ, các tổ dân phố còn thiếu các thiết chế văn hóa. Trước đây, toàn phường có 6 hội trường dành cho 7 khu phố sinh hoạt. Như thế đã là thiếu, nay đột ngột tăng lên 28 tổ dân phố nên càng không thể bố trí đủ hội trường cho các tổ dân phố hội họp, sinh hoạt. Có những hội trường phải ngăn làm đôi và phải tận dụng hết công suất mới tạm đủ phục vụ cho việc hội họp của tất cả 28 tổ dân phố.
Thiếu kinh phí, thiếu nơi sinh hoạt, nên việc duy trì hoạt động của các tổ dân phố có lúc chỉ mang tính hình thức. Sau 6 tháng triển khai thí điểm, việc bổ nhiệm chức danh tổ trưởng (lâm thời) đã hết thời hạn nhưng đến nay thành phố vẫn chưa tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và bầu tổ trưởng mới. Đó là chưa kể việc duy trì sinh hoạt Đảng ở 28 chi bộ cũng chỉ mang tính tạm thời, vì có những chi bộ chỉ có 1 – 2 đảng viên, phải “mượn” đảng viên ở các tổ khác mới đủ số lượng. Theo ông Đặng Quang Giàu: Không nên chia tách quá nhỏ mô hình tổ dân phố theo quy định từ 50 – 70 hộ dân/1 tổ như hiện nay, mà nên chia tách tổ dân phố theo quy mô khoảng 200 hộ dân/1 tổ. Như thế sẽ hạn chế được những khó khăn về công tác cán bộ và nguồn kinh phí chi trả cho bộ máy cán bộ. Còn theo ông Trần Xuân Đĩnh - Bí thư Chi bộ tổ dân phố XII, phường B’Lao, thì: “Vẫn duy trì việc tách tổ dân phố, nhưng không nên chia tách chi bộ và các đoàn thể. Nếu làm được như thế thì công tác lãnh đạo sẽ tập trung và sẽ giảm được số lượng cán bộ”. Ngoài ra, theo một số cán bộ tổ dân phố, nếu thực hiện mô hình mới, thì sớm đầu tư thêm kinh phí xây dựng hội trường để các tổ dân phố có nơi sinh hoạt độc lập…
Đó là những bất cập, là những ý kiến rút ra từ thực tiễn từ mô hình thí điểm thành lập tổ dân phố ở phường B’Lao. Thiết nghĩ, các cấp và ngành có thẩm quyền cần sớm đúc kết để tìm ra hướng tháo gỡ!