Xây dựng đề án và sớm thực hiện việc chuyển đổi các cơ sở giáo dục, các trường mầm non bán công có nguồn gốc từ công lập trước đây sang loại hình trường mầm non công lập ngay trong năm 2011.
KHÓ KHĂN BÁN CÔNG
Trước hết, phải ghi nhận giáo dục mầm non (GDMN) tỉnh Lâm Đồng nhiều năm qua đã phấn đấu vượt khó đạt được những kết quả khích lệ, từ mạng lưới trường lớp đến chất lượng chăm sóc, giáo dục. Trong đó, hàng năm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đều giảm đáng kể, tỷ lệ huy động trẻ em (TE) 5 tuổi đến trường đều đạt từ 97% trở lên; tỷ lệ giáo viên (GV) đạt chuẩn gần 83,5% và trên chuẩn 30,9%...
Thời điểm kết thúc năm học 2010-2011, GDMN toàn tỉnh Lâm Đồng có 190 trường, trong đó 97 trường công lập, 59 trường bán công (BC), 6 trường dân lập, 29 trường tư thục và 493 cơ sở MN tư thục. Trong tổng số học sinh (HS) toàn bậc học MN với gần 55 ngàn trẻ, BC có hơn 16,7 ngàn; dân lập hơn 700 và tư thục hơn 17,3 ngàn. Riêng mẫu giáo (MG) 5 tuổi toàn tỉnh gần 21,6 ngàn HS, được bán trú hơn 14,6 ngàn, tỷ lệ 67,8%. Hiện, Lâm Đồng còn 46 phường, xã chưa có trường MN công lập và 14 xã chưa thành lập trường MN. Mạng lưới trường, lớp chưa đủ để huy động TE học 2 buổi /ngày. Thiết bị, đồ dùng dạy học GDMN mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 70% theo yêu cầu chương trình mới, đặc biệt là ở những phân hiệu, điểm lẻ càng khó khăn.
Với 59 trường MNBC thuộc 10 huyện, thành phố (trừ 2 huyện Đam Rông và Lạc Dương) số GV là 871 người, trong đó GV dạy lớp MG 5 tuổi 384 người. Số GV này chỉ hợp đồng, trong đó nhiều GV nhiều năm không được nâng lương vì nhà trường không đủ kinh phí nên chỉ ký hợp đồng ngắn hạn. Điều này làm GV không an tâm công tác, dẫn đến đội ngũ luôn bị xáo trộn, thiếu ổn định. Theo quy định, chu kỳ để 1 GV từ thử việc đến trở thành GV giỏi cấp huyện phải mất ít nhất 5 năm, vì thế thực hiện quy trình đào tạo đội ngũ luôn gặp khó khăn…
Những thực trạng vừa nêu là trở ngại không nhỏ đối với GDMN của Lâm Đồng. Thực tế của bậc học này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu mong đợi. Chất lượng và hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ thấp so với yêu cầu. TE 5 tuổi chưa được chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng, thể lực và tâm lí sẵn sàng đi học.
Lễ phát thưởng của Trường Mầm non 9 - Đà Lạt. Ảnh Thanh Toàn |
PHỔ CẬP GDMN TRẺ 5 TUỔI
Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nêu rõ: “Đưa chỉ tiêu phổ cập GDMN cho TE 5 tuổi vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương để chỉ đạo thực hiện”. Chương trình và kế hoạch này dựa trên cơ sở Đề án phổ cập GDMN cho TE 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết IX Đại hội tỉnh Đảng bộ.
Nhiệm vụ cụ thể của Lâm Đồng là, đến năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường MN công lập; đủ trường, lớp để thực hiện phổ cập GDMN cho TE 5 tuổi; 100% TE 5 tuổi được học tại các trường mẫu giáo công lập theo quy định, được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày đủ một năm học theo chương trình GDMN mới. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa GDMN, đảm bảo 70% số trẻ 3-4 tuổi đến lớp mẫu giáo, 25% số trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%. Phấn đấu hoàn thành phổ cập GDMN cho TE 5 tuổi trong toàn tỉnh vào năm 2014.
Theo đó, từ năm học mới 2011-2012, Lâm Đồng sẽ điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới trường, lớp MN; ưu tiên đầu tư xây dựng mới các trường, phòng học cho các lớp MN 5 tuổi tại các xã chưa có trường MN và các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý GDMN để đảm bảo đủ về số lượng, đạt và vượt chuẩn đào tạo, chuẩn nghề nghiệp. Cùng đó, chú trọng đào tạo, phát triển và tăng tỷ lệ GV là người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác, thực hiện đúng, kịp thời chính sách đối với đội ngũ GV và cán bộ quản lý GDMN, đặc biệt là GV vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình kiên cố hóa các trường, phòng học theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Theo Đề án của Chính phủ, ở huyện nghèo (thuộc Danh mục Nghị quyết 30a/2008), xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ I làm mô hình và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi cho các lớp MN 5 tuổi. Lộ trình đặt ra là: Đến năm 2015 có ít nhất 30% số trường MN được tiếp cận với tin học, ngoại ngữ và khoảng 70% các trường có bộ đồ chơi ngoài trời.
Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thực sự là làn gió mát đến với bậc học GDMN nói riêng, ngành GD&ĐT và xã hội nói chung. Nhiều cán bộ quản lý trong ngành và các bậc phụ huynh đều bày tỏ niềm vui mừng và tin tưởng. Hiệu phó Trường MN Phú Hội, huyện Đức Trọng Lương Thị Hà nói: “Có được chủ trương này, GV các trường BC rất mừng và rất vui. Đội ngũ ổn định, họ yên tâm công tác, dồn tâm huyết vào chuyên môn; mạnh dạn thể hiện những sáng kiến nghiệp vụ. Chủ trương cũng tạo điều kiện phát triển về cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị vừa hỗ trợ kinh phí rất quý báu cho các trẻ và gia đình khó khăn. Chắc chắn chất lượng GDMN sẽ được nâng lên một cách rõ rệt”.