(LĐ online) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Hoàng Sỹ Sơn đã chỉ đạo huyện Di Linh nhanh chóng tính toán phương án giao đất tái định cư và cho nợ tiền đất 5 năm hoặc đổi đất đối với những hộ phải di dời.
Hiện tượng nứt đất, sụt lún đất chủ yếu nằm trong vòng cung thuộc đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Hai Bà Trưng, khu phố 1, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, ảnh hưởng đến 25 hộ dân trong khu vực.
Một cột trụ hàng rào bị nứt nghiêng d ảnh hường hiện tượng sụt, lún đất ở Di Linh. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Sau 10 hộ di dời đợt 1 và 9 hộ di dời đợt tiếp theo, 6 hộ còn lại, nếu có hiện tượng ảnh hưởng phải di dời ngay để tạo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Cuối cùng, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh giao cho huyện Di Linh chủ động tiến hành công tác hỗ trợ cho những hộ bị ảnh hưởng từ nguồn ngân sách và vận động cộng đồng. Về phía tỉnh sẽ cân đối nguồn dự phòng phòng chống lụt bão và nguồn dự ngân sách để hỗ trợ cho những hộ bị ảnh hưởng nói trên.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, hiện tượng sụt, lún đất ở Di Linh không phải là hiện tượng nội sinh, động đất hay núi lửa mà là hiện tượng trượt đất thông thường, sụt lún đất do nguyên nhân ngoại sinh.
Khối đất trượt là đất thuộc tầng phong hóa ba zan, có độ dày từ 10-13m, đất ba zan có đặc tính tăng thể tích khi có độ ẩm cao, khi gặp biến đổi bất thường của thời tiết, cộng với hiện tượng xói mòn mạnh sẽ kích hoạt hiện tượng nứt đất, sụt lún đất. Đồng thời, trên đoạn đường 260m ở khu vực nứt đất nói trên, phía trên cấu trúc đất cứng, phía sườn đồi có độ dốc đất lớn, đất có thành phần cơ giới trung bình, nhưng có nhiều công trình kiến trúc nhà cao tầng, mật độ dày nên đã góp phần gia tăng trọng lực lên nền đất trượt.
Hoạt động khai thác than bùn phía dưới chân đồi cũng được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt đất, sụt lún đất.