Thông đỏ có nguy cơ tuyệt chủng

08:06, 17/06/2011

(LĐ online) - Lâm Đồng là một trong ít địa phương của nước ta ghi nhận phát hiện thông đỏ với số lượng lớn. Tuy nhiên, công bố mới đây của đoàn nghiên cứu Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cho thấy loài thông này đang đứng nguy cơ tuyệt chủng cao nếu không khẩn trương có kế hoạch bảo vệ.

(LĐ online) - Lâm Đồng là một trong ít địa phương của nước ta ghi nhận phát hiện thông đỏ với số lượng lớn. Tuy nhiên, công bố mới đây của đoàn nghiên cứu Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cho thấy loài thông này đang đứng nguy cơ tuyệt chủng cao nếu không khẩn trương có kế hoạch bảo vệ.

“Vàng” giữa rừng xanh

Thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae). Trong lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, đây là dược chất quí và hữu hiệu nhất cho đến hiện nay thế giới dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại ung thư: đầu, cổ, buồng trứng, vú, tử cung... Trong sách đỏ Việt Nam 2007, Thông đỏ được xếp ở cấp VU – loài nguy cấp quý hiếm, còn trong nghị định  32/2006/NĐ-CP của chính phủ, Thông đỏ được xếp vào nhóm IA – nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Theo ông Đỗ  Văn Ngọc – Phó giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Lâm Đồng là một trong rất ít địa phương ở nước ta phát hiện thông đỏ ngoài tự nhiên. Ước tính cả tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 200ha nằm rải rác ở khu vực núi Voi, rừng Đ’ran và Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà.

Năm 2010 vừa qua, đoàn nghiên cứu VQG Bidoup – Núi Bà đã tiến hành khảo sát một phần diện tích rừng thuộc địa bàn quản lý đã bất ngờ phát hiện thêm 50ha thông đỏ tại khu vực xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương), nâng tổng số diện tích thông đỏ được phát hiện tại Vườn lên 118,866ha. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian và kinh phí nên trong đợt điều tra năm 2010 vừa qua nên đoàn nghiên cứu chưa có điều kiện tiến hành khảo sát toàn bộ diện trên toàn lâm phận quản lý. Do đó, nhiều khả năng vẫn còn những quần thể thông đỏ chưa được phát hiện tại VQG Bidoup – Núi Bà.

Kết quả điều tra năm 2010 đã ghi nhận 124 cây lớn (có Doo ≥ 25 cm) với chiều cao bình quân là 20,2m, đường kính ngang ngực người bình quân là 47,2cm. Trong đó, ghi nhận cây lớn nhất có đường kính ngang ngực người là 147cm.
 
Thông đỏ chiết xuất chất chữa bệnh ung thư đang có nguy cơ tuyệt chủng
Thông đỏ chiết xuất chất chữa bệnh ung thư đang có nguy cơ tuyệt chủng

Nguy cơ tuyệt chủng

Ông Đỗ Văn Ngọc – Phó giám đốc VGQ Bidoup – Núi Bà cho biết, kết quả đợt khảo sát nghiên cứu thông đỏ vào cuối năm 2010 khiến các nhà khoa học rất lo lắng. Trong 124 cây thông đỏ lớn mới được phát hiện tại khu vực xã Đa Nhim đa số có phẩm chất loại trung bình hoặc kém. Cụ thể, loại trung bình 66 cây và loại kém 24 cây chiếm 80,6% tổng số cây được điều tra. Có rất nhiều cây bị sâu bệnh, bị rỗng ruột, cụt ngọn...cây trưởng thành có phẩm chất xấu. Trong khi đó, các thế hệ kế cận rất ít đang là một nguy cơ lớn báo động đến sự tồn tại ngoài tự nhiên của loài thông đỏ.

Đoàn nghiên cứu Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nhận định, nguyên nhân phẩm chất thông đỏ giảm sút nghiêm trọng là do sự tự suy thoái của quần thể và áp lực khai thác quá cao trong khi từ trước đến nay vẫn chưa có bất kỳ một phương án nào bảo vệ, phát triển loài cây đặc biệt quý hiếm này.

Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài thông đỏ, VQG Bidoup – Núi Bà đang tiến hành dự án điều tra, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và phát triển cây thông đỏ ở rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với mục tiêu chính là xác định vùng phân bố, quy mô, số lượng cá thể thông đỏ trưởng thành và điều tra đánh giá tình trạng tái sinh tự nhiên, tình trạng bảo tồn của các quần thể để xây dựng phương án bảo vệ và phát triển thông đỏ trước nguy cơ tuyệt chủng, bảo lưu nguồn Gen loài cây quý hiếm này.

PGS. TS Dương Tấn Nhựt - Phó Viện trường Viện Sinh học Tây Nguyên cũng cho biết, đã nghiên cứu thành công nhiều chương trình liên quan đến cây thông đỏ như nhân giống hữu tính, vô tính, nuôi cấy tế bào thông đỏ… Tuy nhiên, đây hoàn toàn là kinh phí của Viện, chưa có chương trình nào là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Ngô Khắc Lịch