Vệ sinh an toàn thực phẩm - Nỗi lo thường trực!

03:06, 22/06/2011

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề mà mọi người quan tâm. Trên thực tế, chất lượng VSATTP vẫn luôn là nỗi lo thường trực!

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề mà mọi người quan tâm. Trên thực tế, chất lượng VSATTP vẫn luôn là nỗi lo thường trực!

Bảo Lộc hiện có trên 1.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể. Trong đó, bao gồm 93 cơ sở sản xuất, 40 bếp ăn tập thể, 16 nhà hàng khách sạn, 860 điểm kinh doanh thực phẩm và trên 600 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống. Điều đáng lưu tâm là, trong số đó, vẫn còn nhiều điểm kinh doanh đã vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi vấn đề VSATTP - mối nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng… Và vì lý do đó, nhiều năm qua đã có không ít “nạn nhân” phải nhập viện hoặc đến các phòng khám tư nhân điều trị do bị ngộ độc thực phẩm.
 
Kiểm tra VSATTP
Kiểm tra VSATTP

Thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vốn dĩ đã được nhắc nhiều, nói nhiều nhất là tại các quầy nhỏ lẻ, quán cóc bên đường. Tuy vậy, cũng không thể chủ quan, vì thực phẩm không đảm bảo VSAT lại xuất hiện tại những địa điểm kinh doanh, dịch vụ vốn được đánh giá là “uy tín”, “chất lượng”!

Vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt của gần 500 du khách tại nhà hàng Tâm Châu (cơ sở tại Lộc An) là một ví dụ cụ thể.

Nhà hàng Tâm Châu (Lộc An) được đưa vào hoạt động khoảng 1 năm nay. Trong quá trình kinh doanh, do sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn để chế biến thực phẩm, thế nên việc thực khách bị ngộ độc do thực phẩm không an toàn xảy ra là lẽ đương nhiên. Về vấn đề này, theo ông Hoàng Đình Khải - Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Nam Lâm Đồng, thì rõ ràng bên cạnh việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, mất VSATTP tại các điểm du lịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương, khi Bảo Lộc đang có xu hướng đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ. “Ngộ độc thực phẩm xảy ra, là điều rất đáng tiếc. Không thể phủ nhận trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh, dịch vụ trong việc hợp đồng mua nguyên liệu, quản lý kiểm tra nguồn nước sạch phục vụ chế biến. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm hơn nữa về vấn đề này”. Ông Hoàng Đình Khải nói.

Thực tế, để đảm bảo chất lượng VSATTP, đảm bảo cho người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, mỗi năm ít nhất thành phố đã tổ chức từ 2 - 3 đợt kiểm tra liên ngành về chất lượng VSATTP. Sau mỗi đợt kiểm tra, thành phố đã tiến hành lập biên bản, xử lý, tiêu huỷ một lượng khá lớn hàng không đảm bảo chất lượng. Nhưng dường như hiệu quả của những đợt kiểm tra ấy chưa phát huy được tác dụng lâu dài. Bởi nhiều lý do khác nhau, mà trước hết cần phải nói đến, là ý thức của người kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Chỉ một thời gian ngắn sau các đợt kiểm tra, người làm ra thực phẩm vẫn vô tình hoặc cố ý sử dụng các chất kích thích, chất bảo quản, chất phụ gia chứa độc tố, có nguy cơ gây hại. Người bán vẫn bán hàng kém chất lượng, mà thậm chí người mua cũng chẳng màng để ý đến nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng…

Về phía cơ quan chức năng, việc kiểm tra tuy đã được thực hiện đúng quy trình, tuy nhiên do thiếu các phương tiện kỹ thuật, thiếu kinh phí, nên cán bộ nhân viên làm nhiệm vụ hầu như chỉ kiểm tra bằng cách test (thử) nhanh và cảm nhận trực quan là chính. Do đó, không kiểm chứng được chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Việc kiểm tra lại càng trở nên khó khăn hơn, khi việc lưu mẫu tại các đơn vị kinh doanh, dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể không thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Tại các chợ đầu mối, không ai kiểm soát được “đầu vào” của các loại rau, củ, quả, thịt. cá… “Khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu như các đơn vị sản xuất, kinh doanh không quan tâm đến việc tập huấn ATVSTP cho nhân viên. Số đơn vị lưu mẫu thực phẩm ăn uống còn quá ít…” - Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, cán bộ Đội Y tế dự phòng Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc, cho biết.

Liên quan đến công tác kiểm tra sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để tổng kiểm tra VSATTP tại thành phố Đà Lạt và các hàng quán dọc tuyến Quốc lộ 20. Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc cũng triển khai kế hoạch kiểm tra các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố; đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác đảm bảo ATVSTP.

Chất lượng VSATTP luôn là vấn đề “nóng” và không của riêng ai. Thiết nghĩ, các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm; người kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như người tiêu dùng cần nâng cao ý thức vì sức khoẻ của cộng đồng và của chính mình.
BÍCH HỒNG