Xóm Ba Cây Nhang

02:06, 15/06/2011

Đến đèo Bảo Lộc, người ta có thể nhìn thấy những bức tranh thiên nhiên tuyệt tác từ dãy núi đá chập chùng giữa rừng núi đại ngàn đến thung lũng mù sương mờ ảo xanh rì. Ở nơi giang sơn hữu tình này, bạn có thể hít thở không khí se lạnh và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm...

Đến đèo Bảo Lộc, người ta có thể nhìn thấy những bức tranh thiên nhiên tuyệt tác từ dãy núi đá chập chùng giữa rừng núi đại ngàn đến thung lũng mù sương mờ ảo xanh rì. Ở nơi giang sơn hữu tình này, bạn có thể hít thở không khí se lạnh và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Nhưng không phải ai cũng biết trong bức tranh hùng vĩ ấy, đâu đó còn có những con người sống dưới mức nghèo khổ lặng lẽ trong túp lều đìu hiu, rệu rã. Đã có lúc những cư dân này quay lại thời kỳ hái lượm để sinh tồn.Tôi, người viết bài này đã bật khóc khi được một gia đình mời cơm ngày tết, nhưng bữa cơm đầu năm lại tê tái đến mức não lòng. Những cư dân vô danh sống cheo leo giữa triền núi này đã tự đặt cho xóm cái tên mà tự nó đã nói lên thân phận - Xóm Ba Cây Nhang .
 
Gia đình anh Dũng hôm nay.
Gia đình anh Dũng hôm nay.

Chuyện những người tha hương

Ở đầu đèo Bảo Lộc (thuộc xã Đại Lào) vào cuối những năm 90, hình ảnh giữa buổi trưa nắng, người đàn ông đầu trần bết đất với bộ quần áo đầy bụi đường nhầu nhĩ, phóng xe máy chở sau lưng 1 bao trà tươi khoảng 100 ký và một người phụ nữ ngồi ngất nghểu trên bao chè, chạy với tốc độ 60km/giờ để kịp phiên chợ chiều là chuyện thường ngày ở huyện. Vào những năm ấy, nông dân từ nhiều nơi đến nhập cư với cuộc sống lúc đầu đầy gian khó. Chuyện cơm áo đời thường, đã không ít những đôi vợ chồng chở trà đúng giờ họp chợ đã chạy bất chấp tính mạng và luật giao thông đường bộ. Với tính tò mò của người không quen nhìn hình ảnh lạ, tôi mượn xe máy đuổi theo.

Từ mỏ đá đầu đèo rẽ phải, men theo sườn đồi không quá 2 km nhưng phải mất gần 15 phút mới đến được nhà người đàn ông ấy. Ông có gương mặt gân guốc, da ngăm đen tên là Ba Dũng. Anh Ba với đôi mắt sang, có hồn như ẩn chứa đầy nghị lực tự mình vươn lên số phận. Nhìn anh khó có thể tưởng con người nhỏ thó không đến 50kg như thế, lại có thể chở một tạ chè cộng thêm vợ ngồi trên, chạy lắc lư lên xuống theo triền đồi đầy hiểm nguy rình rập.

Điều gì đã chắp cánh cho anh chị chở 100 kg chè tươi chạy như bay trên núi đá, như đùa với tử thần thế! ”  Tôi nhăn mặt hỏi.

Đùa gì! Sợ lắm chứ, nhưng không làm thế thì lấy gì cho các cháu ăn học. Ở đây còn có người chở đến… 130 ký! - Anh nhã nhặn trả lời.

Anh Ba Dũng tên thật là Nguyễn Phước Dũng (sinh năm 1947 tại Quế Sơn, Quảng Nam), xuất thân từ một gia tộc khoa bảng. Bản thân anh đã học xong tú tài năm 1965. Sau năm 90, anh dẫn vợ con vào Nam lập nghiệp. Trải qua cuộc hành trình đi tìm đất mới nhiều nơi, cuối cùng anh đã định cư tại Bảo Lộc. Năm 1994, tại xóm Ba Cây Nhang, anh là một trong những cư dân đầu tiên đến và trụ lại triền núi đầu đèo. Ngày ấy khu đất này là thung lũng chết không một bóng người .Vào những buổi sáng mùa đông, cả vùng hoang vu này như một ốc đảo dày đặc sương mù. Anh Ba để vợ con ở Bình Thuận cho các cháu đi học, một mình anh vào nơi mới làm rẫy. Năm đầu tiên trồng bắp, lúa để xoay xở tạm thời. Nhưng số phận đã không mỉm cười với anh trong lúc cơ hàn. Ngày đêm vào mùa thu hoạch anh phải thức để tranh giành lúa bắp với heo rừng, khỉ, sóc và nhím. Đêm về, một mình giữa rừng già hiu quạnh nằm trăn trở tìm cách mở lối thoát cho các con. Anh cho tôi xem 1 bài thơ viết dở của anh đã ố vàng nhàu nát: “Đêm nằm giá lạnh thân cô/ Mưa tuôn rào rạt để đèn nơi đâu/ Nằm co qua hết đêm thâu/ Nghe lòng cô quạnh thảm sầu làm sao…..”

Năm 1996, anh Ba dẫn vợ và 5 đứa con vào khu đất mới với một quyết tâm lao động hết sức mình để đầu tư việc học cho các con. Cuộc sống thường ngày dưa muối với bắp trộn rau rừng, cứ thế trôi đi. Đất vườn nhà anh ngày càng mở rộng, hương hoa cà phê tỏa ngát. Anh tiếp tục cho tôi xem bài thơ: “ Đêm nằm nghe suối chảy mà thương/ Nghe con chim kêu mà mến/ Nghe tiếng ngọn cà (phê) vươn mà mừng…”

Ở trong rừng chỉ kiếm đủ ăn từ đất nên không làm ra tiền. Anh biết! Gia đình thiếu thốn đủ bề, nhiều lúc chỉ ăn bắp, khoai mì với rau rừng luộc chắm nước muối không có bột ngọt. Do ăn không đủ chất người cứ teo tóp lại, mắt cứ mờ dần ra. Anh Ba nhà tôi giờ chỉ còn bộ xương cách trí. Đã vậy, chiều nào cũng phải lội bộ ra tận đường nhựa đầu đèo để đón con đạp xe đi học từ Bảo Lộc về. Nếu không ra kịp, các cháu không dám một mình lội rừng về nhà. Có lẽ, sự đau khổ đời người đã đến mức tận cùng! - Chị Truyền, vợ anh Ba nhiều lần bật khóc. Nhìn sự tuyệt vọng về kinh tế gia đình của chị, nước mắt của tôi trào ra.

Năm 1998, tôi theo anh Ba Dũng đến thăm gia đình anh Đinh Hữu Thịnh. Anh Thịnh là em rể của anh, con trai của một giáo sư có tên tuổi dạy chữ Hán ở  Quảng Nam. Nhà anh Thịnh cách nhà anh Ba 200m. Đó là căn nhà tranh ọp ẹp, vách thưng bằng tre sơ sài. Anh Thịnh sinh năm 1952, người cao gầy hốc hác, đeo bên hông một bịch nylon chứa nước thải ruột già. Anh Ba cho biết, anh Thịnh bị ung thư đại tràng. Lúc chúng tôi đến, vợ và các con đã ra vườn từ sáng sớm. Một lúc sau, chị Nhị - vợ anh, về với nụ cười héo hắt trên môi. Tôi biết chị có nhiều trăn trở lo toan, việc cơm áo, bệnh tật cho chồng và 7 đứa con đang lớn, hàng ngày dồn lên vai chị. Ngày xưa cô giáo Nhị trẻ đẹp duyên dáng nhất nhì huyện, nay trải qua sóng gió của đời thường đã chuyển thời vàng son của mình thành ký ức. Tôi không biết nói gì khi nhìn đồ đạc trong nhà sơ sài đến mức đau lòng. Nhưng bù lại các con của anh chị từ cháu Tuấn đến cháu Trúc đều có những nét thông minh nhân bản của một gia đình trí thức lỡ vận. Đó lại là cái may, tôi chợt nghĩ thoáng qua. Ngày xưa các cụ thường nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Sự cơ cực hôm nay có thể là nền tảng của sự nghiệp ngày mai, nếu ai còn nhớ và có trách nhiệm với chính mình, với vong linh gia tộc.

Ngày mồng 2 Tết năm 2000, tôi đến nhà anh Ba với một người bạn đồng nghiệp để thăm một tổ ấm mới mọc lên tại xóm. Đó là ngôi nhà nằm cheo leo trên sườn đồi cao hơn mặt đường 2m. Tiếp chúng tôi là chị Sáu Phi - chủ nhà. Chị Sáu đã trên 45 tuổi, vui vẻ chào đón chúng tôi như người thân lâu ngày trở lại. Chị cho biết: “Đã lâu rồi nhà không có khách, nghèo hèn và không thế lực thế này có ai muốn đến nhà chơi đâu anh!”. Chị mủi lòng nước mắt chảy ra không một tiếng khóc. Chúng tôi đứng nhìn nhau câm lặng không ai dám nói điều gì.

“Mùng 2 Tết có người đến nhà đã mừng rồi. Năm nay chắc chắn làm ăn tốt hơn, các anh phải ăn một bữa cơm đầu xuân với gia đình nhé!” - Chị mời một cách nhiệt tình và vội vã bưng ra những gì có thể.
          
Ngày trở lại xóm Ba Cây Nhang

Đã gần 10 năm, tôi trở về thăm xóm theo lời mời của anh Ba. Qua điện thoại, anh dặn tôi cứ đi một mạch đến nơi không cần buộc xích vào lốp xe máy để chống trơn trợt như những năm trước nữa. Xóm Ba Cây Nhang bây giờ đã đông vui và sung túc hơn nhiều. Con đường tử thần đã đổ giả bê tông bề rộng 1m. Kinh phí làm đường do bà con tự nguyện đóng góp. Nhiều nhà xây mới  mọc ngay trên túp lều tối tăm, u buồn ngày trước. Nhà nào cũng có vườn cà phê xanh mướt đầy sức sống. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, cả xóm vất vả nhưng vui mừng như mở hội. Riêng anh Ba Dũng, năm 2010 thu được gần 10 tấn cà phê nhân. Ba đứa con của anh đã tốt nghiệp đại học, có công việc làm ổn định ở thành phố. Anh Ba cho biết, là anh đã mua được 4 lô đất ở Thủ Đức để dành cho con và có thể về già anh chị sẽ về thành phố sống gần gũi với các con cho bớt hiu quạnh.

Còn gia đình anh Đinh Hữu Thịnh? -  Tôi hỏi.
   
Anh Thịnh đã chết năm 2000. Bảy đứa con của dượng tự đùm bọc nuôi nhau, nay đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm khá ổn định. Chúng nó đưa mẹ và di ảnh bố về thành phố nuôi dưỡng và phụng thờ, thỉnh thoảng các cháu vẫn trở về thăm nền đất của ngôi nhà cũ... - Anh Ba ngậm ngùi kể lại.

Chị Sáu Phi ? - Tôi tiếp tục hỏi.

Chị Sáu đã dời nhà ra đường nhựa ở đầu đèo Bảo Lộc. Bây giờ chị khá hơn xưa rất nhiều đã có nhà xây rộng rãi. Không những chị mà bà con ở xóm tự thân vận động, chịu thương chịu khó nay đã thoát được cảnh nghèo.

Chia tay những gia đình tha hương nghèo đói năm xưa, tôi lặng lẽ đi dưới tán lá xanh mát rượi, miên man nhớ đến những con người đau thương một thời. Vườn cà phê của xóm đang ra hoa mùa mới. Những chùm hoa trắng rập rờn rung theo gió, tỏa mùi hương dìu dịu phủ lên thung lũng “chết ” ngày nào. Và tôi chợt nghĩ, mai đây, thế hệ tiếp theo hàng ngày ra vào xóm Ba Cây Nhang, không biết trong họ có ai còn nhớ những túp lều tranh ọp ẹp, xơ xác; những cư dân chân trần đen đúa, ăn khoai với rau rừng luộc chấm muối quẹt ngày tết. Có ai còn nhớ những con người nghèo khổ bồng bế nhau đi trên con đường tử thần chập chùng đá núi mà thở bằng sức sống mãnh liệt ngày mai…
Ghi chép: TRẦN ĐẠI