Trên cánh đồng lúa vàng rộ vào những ngày cuối tháng 7 ở xã nghèo Mỹ Lâm, thấp thoáng bóng áo xanh của các bạn sinh viên tình nguyện đang gặt lúa cùng với nông dân. Tiếng máy tuốt lúa liên hoàn, tiếng nói cười rôm rả tạo bầu không khí ngày mùa thêm nhộn nhịp.
Bỏ dở bó lúa xuống ruộng, anh Trần Trọng Tập - Bí thư Đoàn xã Mỹ Lâm, vồn vã nói với chúng tôi: “Hay quá, các anh đến thật đúng lúc. Hôm nay, chúng em phối hợp với các bạn sinh viên tình nguyện tổ chức gặt lúa giúp dân”. Chị Chu Thị Long (thôn Mỹ Trung) chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ, cho biết: “Gia đình tôi đơn chiếc, nhờ có các bạn sinh viên và chi đoàn giúp cho. Nếu không, một mình tôi không biết gặt hái bao giờ mới xong!”. “Anh biết không, tụi em về đây đa hệ lắm đó, chẳng mấy chốc sẽ thành nông dân thứ thiệt!”- Trần Thúy Chi, sinh viên năm 2 (Khoa Phát triển cộng đồng) hóm hỉnh xen vào.
Sinh viên tình nguyện giúp nông dân xã Mỹ Lâm thu hoạch lúa. |
Mùa hè năm nay, huyện Cát Tiên đón 14 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Đà Lạt, chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 7 thành viên, được phân về giúp đỡ nhân dân 2 xã Mỹ Lâm và Đồng Nai Thượng. Đưa tôi xem bảng phân công thành viên phụ trách địa bàn và chương trình công tác của nhóm, trưởng nhóm Hoàng Đức Kiên, phân trần: “Trước đây, chúng em hoàn toàn không biết gì về Cát Tiên, nên khi được phân công về đây ai cũng lo. Để không bị động, chúng em đã nắm thông tin rất kỹ từ phía Đoàn trường và Tỉnh Đoàn. Sau đó, cả nhóm cùng bàn bạc thống nhất xây dựng kế hoạch chu đáo. Tuy nhiên do thời tiết và đặc thù của địa phương, nên từ khi xuống đây, bọn em đã thay đổi sao cho linh động, hợp lý để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn”.
Anh Trần Trọng Tập - Bí thư Đoàn xã Mỹ Lâm, đánh giá: “Các bạn sinh viên tình nguyện được phân công về xã năm nay rất nhiệt tình và trách nhiệm, thường xuyên chủ động trong công việc, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tin tưởng, quý mến”. Qua hơn nửa tháng, kể từ ngày đặt chân đến xã Mỹ Lâm, đến nay các bạn sinh viên tình nguyện đã thực hiện được rất nhiều việc làm có ý nghĩa: tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, tu sửa sân UBND xã, phát quang bụi rậm, quyên góp làm sân bóng chuyền… Ngoài ra, sinh viên còn tổ chức giúp đỡ các gia đình neo đơn, gia đình chính sách nhân ngày thương binh liệt sĩ, đoàn viên nghèo thu hoạch lúa, bắp… Đặc biệt, các bạn đã cùng với Đoàn xã củng cố, đẩy mạnh phong trào Đoàn, Đội; phối hợp tổ chức Hội thi hè cho học sinh.
Như để minh chứng cho việc làm của nhóm, Bí thư Xã Đoàn Trần Trọng Tập và trưởng nhóm Hoàng Đức Kiên đã mời tôi đến một vài điểm mà các thành viên của nhóm đang phụ trách. Đến nhà anh Trần Văn Yêu (thôn Mỹ Bắc), mặc dù đang là thời điểm mùa màng bận rộn, thóc lúa chất ngổn ngang, nhưng vẫn có khoảng 15 em nhỏ đang say sưa tập múa, hát và kịch, dưới sự hướng dẫn của 2 “cô giáo” Nguyễn Thị Hậu (quê ở Thái Nguyên, sinh viên năm cuối Khoa Ngữ văn) và Lương Thị Trang (quê Hà Tĩnh, sinh viên năm 2 Khoa Phát triển cộng đồng Trường Đại học Đà Lạt). Không đàn, không trống, các em nhỏ chỉ tập theo lời của bài hát trên máy điện thoại đã được các “cô giáo” cất công tải xuống từ các dịch vụ Internet. Vừa sửa động tác cho các em nhỏ, Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia tình nguyện hè. Phải nói là rất thú vị và ấn tượng, vì em bắt gặp sự ham học của các em”. Còn bạn Lương Thị Trang: “Kỷ niệm về mùa hè tình nguyện này sẽ rất khó phai, ở vùng đất Cát Tiên nghèo giống quê em, nhưng có những người dân thật dễ mến, như bác Nông Văn Phung, anh Yêu, anh Trung, chị Long, cô Tú… và cả những cặp mắt háo hức chờ đợi cô giáo mỗi ngày của các em nhỏ. Và nếu có thể, mùa hè năm sau em lại tiếp tục tình nguyện về lại mảnh đất này!”.
Chia tay các bạn sinh viên tình nguyện khi trời đã đổ mưa tầm tã, tôi biết đường về còn lắm gian nan, nhưng chẳng thấm thía gì so với cuộc sống cơ cực của người dân Mỹ Lâm - nơi được xem là vùng “trũng” của huyện Cát Tiên. “Mong sao cho bà con nơi đây bớt khổ, các em nhỏ không còn bị “đói” về tinh thần. Chúng em xem đây là cơ hội để góp sức mình vào cuộc sống của bà con ngày càng tốt đẹp hơn!”- Những trăn trở của trưởng nhóm Hoàng Đức Kiên, cũng là nỗi niềm của những ai khi đến vùng đất này.