Điều “bất ngờ” ở một chi hội

02:07, 26/07/2011

Đến với Chi hội II (Hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh), tôi hết sức “bất ngờ” trước “sân chơi” của một nhóm nghệ nhân. Không ai khác, họ cũng chỉ là những nông dân vùng cà phê, nhưng rất đam mê nghệ thuật sinh vật cảnh, đã cùng gắn bó, giúp nhau vươn lên trong “nghề nghiệp” và cuộc sống.

Đến với Chi hội II (Hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh), tôi hết sức “bất ngờ” trước “sân chơi” của một nhóm nghệ nhân. Không ai khác, họ cũng chỉ là những nông dân vùng cà phê, nhưng rất đam mê nghệ thuật sinh vật cảnh, đã cùng gắn bó, giúp nhau vươn lên trong “nghề nghiệp” và cuộc sống.
         
Cách đây vừa tròn 10 năm, khi mới thành lập, Chi hội II chỉ có 4 thành viên. Theo thời gian, số hội viên tăng, giảm và đến thời điểm này Chi hội đã chính thức có 18 hội viên. “Chúng tôi tự nguyện đến với nhau, trước hết là xuất phát từ lòng đam mê nghệ thuật sinh vật cảnh và cùng xác định với nhau, đây còn là một sân chơi mang tính tổ chức nghề nghiệp nữa!” – anh Nguyễn Văn Cường, Chi hội trưởng Chi hội II, tâm sự với tôi. Và cũng theo anh Cường: “Vừa chơi, vừa làm”, Chi hội II Sinh vật cảnh Di Linh hiện đã định hình được 7 bộ môn: Hoa lan, đá nghệ thuật, gỗ lũa và điêu khắc gỗ, đá mỹ nghệ, bonsai, chim cảnh và tranh thêu nghệ thuật.
 
Trồng hoa hồng môn cắt cành ở Chi hội II.
Trồng hoa hồng môn cắt cành ở Chi hội II.

Với hoa lan, các hội viên chủ yếu trồng và nhân rộng các giống lan rừng, lan công nghiệp và hoa cắt cành. Hiện nay, Chi hội II đã có hàng chục ngàn chậu hoa lan rừng và lan công nghiệp; 2,2 ha hoa hồng môn, với khoảng 100.000 chậu (cây) đủ các chủng loại giống, màu sắc. Vườn hoa lan ở Chi hội II còn bảo tồn được nhiều giống lan rừng quý hiếm và đây cũng là nguồn gen vô cùng quan trọng để Chi hội lai tạo ra các giống mới. Chi hội đã xây dựng được vườn cấy mô để nhân rộng các giống hoa lan. Đặc biệt, tại vườn cấy mô, anh Đoàn Chí Lý (hội viên) đã lai tạo thành công từ 2 giống lan Giả hạc lai với lan Đại ý thảo và cho ra đời cây lan mới có tên là Ý thảo hạc. Ngoài ra, anh Lý còn sưu tầm được một giống lan Hạc đỉnh mới, đẹp, có màu vàng tươi rực rỡ (tên khoa học là Phajuschilyanum). Diện tích 2,2 ha hoa hồng môn cắt cành của Chi hội đều trồng trong nhà lưới theo phương pháp sản xuất công nghệ cao, tưới nước nhỏ giọt…
           
Cây bonsai, cây kiểng cổ được nhiều hội viên tham gia và đã có hàng ngàn cây; trong đó có khá nhiều cây đẹp, giá trị hàng chục triệu và có cây lên tới hàng trăm triệu đồng. Gỗ lũa, đá cảnh tự nhiên được Chi hội quan tâm, động viên hội viên dày công tìm kiếm, sưu tầm và đã có nhiều viên đá tuyệt đẹp, những gốc cây lũa lạ… Chi hội đã hình thành một xưởng sản xuất, gia công đá mỹ nghệ và trang bị máy móc khá hiện đại. Ngoài ra, Chi hội còn xây dựng một cơ sở gia công mộc điêu khắc. Dưới bàn tay khéo léo và bằng cặp mắt nghệ thuật, các nghệ nhân ở Chi hội II đã tạo được những tác phẩm nghệ thuật khá độc đáo, có ý nghĩa và có giá trị… Chi hội cũng đã hình thành một “Showroom” và trang website (khanhngoc orchids.com) để trưng bày, giới thiệu và quảng bá những tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm hàng hóa để cung cấp cho thị trường. 
          
Xuất phát điểm chỉ yêu thích “chơi” và sáng tạo các loại hình nghệ thuật sinh vật cảnh, dần dần Chi hội đã tạo thêm một “nghề” mới cho hội viên và đã giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho trên 20 lao động với mức thu nhập trung bình hàng tháng 2.500.000 đồng. Hàng năm, Chi hội II đã cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn cành hoa, hàng chục ngàn giò, chậu hoa lan các loại, cây kiểng, bonsai, đá nghệ thuật, gỗ lũa và nhiều tranh thêu, chim cảnh… Ngoài ra, từ kiến thức và kinh nghiệm tự học hỏi, Chi hội II còn là nơi chuyển giao công nghệ, cung cấp cây giống và thu mua, bao tiêu sản phẩm để một số bà con nông dân ở địa phương phát triển trồng hoa hồng môn. Hiện nay, ngoài các vườn hoa hồng môn của hội viên, Chi hội đã cung cấp trên 10.000 cây giống và hướng dẫn, giúp đỡ 5 gia đình nông dân chuyển đổi cây trồng, xây dựng được 5 vườn hoa hồng môn… Nhờ vậy, từ “sân chơi” sinh vật cảnh, nhiều hội viên trong Chi hội đã tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể. 

Trong số 9 chi hội của Hội Sinh vật cảnh Di Linh, Chi hội II hoạt động tiêu biểu nhất. Để không ngừng học tập và nâng cao dần kiến thức về nghệ thuật sinh vật cảnh, Chi hội II không một lần thiếu vắng tham gia trưng bày, triển lãm phục vụ các lễ hội và dự thi tại Hội chợ thương mại, Hội hoa xuân hàng năm tại Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, lễ hội Sinh vật cảnh đồng bằng Sông Cửu Long (tổ chức tại Đồng Tháp)… Trong những lần trưng bày, triển lãm, Chi hội đã tham gia 20 tác phẩm bonsai, 40 chậu mai, 600 chậu hoa lan, 200 tác phẩm đá cảnh, 30 tác phẩm đá mỹ nghệ, 50 tác phẩm gỗ lũa. Và trong các lần dự thi, Chi hội đã tham gia 16 tác phẩm bonsai, 200 chậu lan các loại, 90 tác phẩm đá nghệ thuật và 35 tác phẩm cây khô mỹ thuật. Chi hội đã giành 2 giải thưởng đặc biệt, 8 giải Huy chương Vàng, 15 giải Huy chương Bạc, 26 giải Huy chương Đồng và 28 giải khuyến khích. Hai tác phẩm đoạt giải đặc biệt là tác phẩm gỗ lũa “Bộ tứ linh” (long, lân, qui, phụng) của nghệ nhân Đinh Công Bình và “Lan hài trắng” (loại lan đặc hữu của VN) của nghệ nhân Nguyễn Văn Cường. 
          
Với thành tích này, Chi hội II đã được tặng thưởng 3 bằng khen của UBND thành phố Hồ Chí Minh; 3 kỷ niệm chương, 7 giấy khen của Hội Hoa xuân Tao Đàn (thành phố HCM) và nhiều giấy khen khác. Riêng nghệ nhân Đinh Công Bình đã lập “kỷ lục” với nhiều giải thưởng nhất không những đối với Chi hội II mà cả trong Hội Sinh vật cảnh Di Linh. Tham dự các cuộc thi tác phẩm sinh vật cảnh, anh đã được tặng thưởng 1 giải đặc biệt, 7 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng và 8 giải khuyến khích.

BÙI TRƯỞNG