Với mục đích phát động phong trào nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật nhằm phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; công tác Đảng – công tác chính trị, y dược quân sự; công nghệ thông tin; công tác hậu cần kỹ thuật, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vừa tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật LLVT tỉnh lần thứ hai.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi vừa bước chân vào phòng trưng bày của Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ hai LLVT tỉnh đó là số lượng sản phẩm nhiều hơn, phong phú, đa dạng hơn so với hội thi lần trước.
Đến tham quan các sản phẩm dự thi của Phòng Kỹ thuật, chúng tôi rất ấn tượng với mô hình sản phẩm hệ thống cấp nước cứu hỏa dựa vào thế năng và kìm liên kết kíp nổ an toàn. Với đặc điểm của một đơn vị bảo quản, cất giữ một số lượng lớn vũ khí, trang bị, công tác phòng chống cháy nổ được tập thể cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế trong thời gian qua, việc phòng chống cháy nổ chủ yếu sử dụng bằng máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy cơ động, dụng cụ thô sơ… Nhược điểm của các giải pháp này là khi xảy ra cháy nổ thì việc triển khai lực lượng, phương tiện đôi lúc chưa kịp thời, tính cơ động không cao, có thể mất an toàn cho người và phương tiện chữa cháy. Hệ thống cấp nước cứu hỏa dựa vào thế năng là sản phẩm nhằm khắc phục những hạn chế của những giải pháp trước đây. Hệ thống cấp nước cứu hỏa dựa trên nguyên lý thế năng gồm 5 bộ phận chính: Bể chứa 100m3 nước được xây trên đồi cao tương đương với lượng nước của 25 xe cứu hỏa, hệ thống ống dẫn nước đến các kho, trụ xây, hệ thống lăng phun, hệ thống dây cứu hỏa. Như vậy hệ thống này được tập thể cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật sáng tạo là dùng áp lực để đưa nước đến các điểm xảy ra sự cố. Khi xảy ra cháy nổ ở khu vực thì mở các van khóa nước ở khu đó một cách nhanh chóng, bảo đảm an toàn cho người và trang bị.
Trong LLVT, đánh thuốc nổ là một môn huấn luyện thường xuyên nhằm nâng cao khả năng chiến đấu. Việc liên kết giữa dây cháy chậm với kíp nổ thường dùng phương pháp thủ công, vì vậy dễ xảy ra hiện tượng nổ kíp gây sát thương cho người sử dụng. Từ những nguy cơ mất an toàn nói trên, yêu cầu đặt ra là phải làm sao vừa tạo sự liên kết chắc chắn, vừa đảm bảo an toàn, dễ thao tác, giá thành hợp lý. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, trung úy Võ Hồng Quân – Trợ lý đạn thuộc Ban Quân khí đã cho ra đời sản phẩm Kìm liên kết kíp nổ an toàn. Cấu tạo của kìm liên kết kíp nổ an toàn rất đơn giản gồm: Bộ phận tay cầm; bộ phận chứa kíp nổ và bộ phận bóp miệng kíp. Qua kiểm tra cho thấy, nhờ cố định vị trí đặt kíp nổ để bóp vào phần không chứa thuốc của kíp và có bộ phận chứa kíp nên đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây sát thương cho người sử dụng khi kíp tự phát nổ. Một ưu điểm nữa để làm ra sản phẩm này là nguồn nguyên vật liệu sẵn có, dễ làm, giá thành thấp chỉ từ 250 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng tùy theo vật liệu là thép Carbon hay thép hợp kim.
Nhận thấy hiện nay các thiết bị huấn luyện thu phát tín hiệu Morse hầu hết đã cũ và cồng kềnh, chất lượng tín hiệu lại kém, không đáp ứng được yêu cầu huấn luyện thông tin, thượng úy Phạm Quốc Thành – Trợ lý ban Thông tin đã suy nghĩ, sáng chế ra thiết bị huấn luyện thu phát Morse liên hợp. So với các thiết bị cũ, thiết bị này có ưu điểm gọn nhẹ, dễ sử dụng, tính cơ động cao, chất lượng tín hiệu tốt nhờ ứng dụng công nghệ tạo các file tín hiệu chuẩn MP3, có thể sử dụng với các phương tiện thu, nghe khác như đầu CD, VCD, máy nghe MP3…
Đánh giá kết quả hội thi, đại tá Phạm Công Khâm – Phó Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho rằng 42 sản phẩm mang về dự thi lần này là công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ 17 đơn vị tham gia trong LLVT tỉnh. Đại tá đã biểu dương sự cố gắng tìm tòi, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, đồng thời đã trao giấy khen giải Nhất cho tập thể Phòng Kỹ thuật, giải Nhì Phòng Tham mưu và trao giải Ba cho Cơ quan Quân sự huyện Di Linh. Qua hội thi này Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã chọn được 5 sản phẩm xuất sắc mang đi tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật Quân khu 7 trong thời gian đến.