Hành trình “Thép đã tôi thế đấy”: Tự hào về người lính Cụ Hồ

02:07, 23/07/2011

(LĐ online) - Khi “Học kỳ trong quân đội” kết thúc, là lúc tình đồng đội của các chiến sĩ nhỏ đã trở nên khăng khít. Khi đã trở về trong vòng tay cha mẹ, là lúc những kỷ niệm về “Học kỳ trong quân đội” lại hiện về rõ ràng, sâu lắng và thân thương... “Có một cái gì đó vui lắm, dễ thương lắm, lưu luyến lắm… khiến chúng em cứ mong ước “Học kỳ trong quân đội” kéo dài hơn… để niềm vui và tiếng cười được vang mãi…

(LĐ online) - Khi “Học kỳ trong quân đội” kết thúc, là lúc tình đồng đội của các chiến sĩ nhỏ đã trở nên khăng khít. Khi đã trở về trong vòng tay cha mẹ, là lúc những kỷ niệm về “Học kỳ trong quân đội” lại hiện về rõ ràng, sâu lắng và thân thương... “Có một cái gì đó vui lắm, dễ thương lắm, lưu luyến lắm… khiến chúng em cứ mong ước “Học kỳ trong quân đội” kéo dài hơn… để niềm vui và tiếng cười được vang mãi…

Trong suốt thời gian của “Học kỳ trong quân đội”, các chiến sĩ nhỏ đã được học tập, rèn luyện như những tân binh của quân đội nhân dân Việt Nam. Dù sau 10 ngày chưa định hình được tác phong, kỷ luật của người lính, nhưng các em đã được tiếp cận với nhiều nội dung như: bài học về các tư thế vận động chiến trường, vượt vật cản; tìm hiểu về cấu tạo súng, tháo lắp súng AK, bắn đạn thật, cứu thương…; cùng với những câu chuyện, tấm gương, lời ca, tiếng hát… về cuộc đời người chiến sĩ vì nước quên thân, giúp các em có thêm nhiều kiến thức và các kỹ năng sống.

Làm anh nuôi.
Làm anh nuôi.
Thiếu úy Nguyễn Viết Dũng nhận xét: Các em rất hiếu động, nhưng rất tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật cao. Các em hiểu và thực hiện các động tác kỹ thuật chiến trường rất nhanh. Kỷ luật quân đội khiến lực lượng huấn luyện phải nghiêm khắc với các em, nhưng thực sự, các em làm rất tốt. Nhìn mấy em nhỏ tuổi, 2 đứa khiêng một chậu đồ đi giặt thấy rất thương. Dù các em chưa bao giờ làm những công việc này, các anh chị khác sẵn sàng giúp đỡ, nhưng các em hiểu được yêu cầu huấn luyện nên không nhờ vả ai, cũng không có ý chậm chạp, lười biếng. Có em đi đường xa, mệt, vẫn nhất quyết không để đồng đội “lớn” mang giùm ba lô cá nhân…

Nội dung “Học kỳ trong quân đội” ngày thứ 9 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, nhưng là hoạt động vất vả, gian khổ và kéo dài nhất của các chiến sĩ nhỏ: “Hành quân đến khu căn cứ cách mạng núi Voi”. Trước đó, các em đã được nghe người cựu chiến sĩ đặc công Nguyễn Đức Phúc nói chuyện về hoạt động của các chiến sĩ, du kích trong khu căn cứ cách mạng núi Voi thời kháng chiến; được ông hướng dẫn cách hành quân, cách giữ bí mật mà những chiến sĩ giao liên xưa đã thực hiện để đưa cán bộ cách mạng đi trong rừng núi; được ông truyền cho những “bí kíp” xuyên rừng an toàn, giữ được sức khỏe và những cảnh báo về rừng…

Người cựu chiến binh già Nguyễn Đức Phúc cũng khơi gợi ở các em tinh thần đồng đội, tình yêu thương, quý trọng đồng bào – những người đã sát cánh, sẻ chia và bao bọc người lính, cùng với những cánh rừng, những ngọn núi, hang thung… đã chở che, bảo vệ người chiến sĩ trong những năm tháng chiến tranh… Trải nghiệm thực sự bằng hành trình dài hơn 12 cây số đường đất, đi bộ, vượt núi, lội suối, băng rừng, chống gậy, bám dây…, các em lại cho rằng đây là hoạt động đáng nhớ nhất và thích nhất. Dù về đến “căn cứ” (Khu du lịch dã ngoại Phương Nam), các “chiến sĩ” đều thấu mệt, lăn ra ngủ ngon lành. Tỉnh dậy, đói bụng, ăn được 2-3 hộp cơm, vẫn ước ao được thêm một lần nữa ăn bữa cơm tự nấu với món thịt nướng giữa rừng…

Đây là năm thứ hai diễn ra chương trình “Học kỳ trong quân đội” ở tỉnh Lâm Đồng, cũng là năm thứ hai những gia đình ở thôn văn hóa Thiện Chí, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng đón các chiến sĩ nhỏ về nhà, cùng sinh hoạt, ăn uống, giao lưu văn nghệ với nhân dân địa phương: thăm gia đình chính sách và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn… Thời gian sống cùng cha mẹ nuôi tại thôn Thiện Chí đã giáo dục truyền thống cách mạng, khơi gợi tinh thần yêu nước, và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”… nơi các chiến sĩ nhỏ. Vì thế, dù là huấn luyện quân đội, nhưng đã tạo được sự trưởng thành trong tư tưởng và tình cảm của các em…

Nhưng, “khóc quá trời khi nhận được thư gia đình và khi được gặp cha mẹ nuôi”. Bị Ban tổ chức “méc”, em Nguyễn Quốc Hưng Trình ở tiểu đội Lý Tự Trọng tâm sự: “Em đã khóc, đáng lý không khóc, nhưng nhận được thư gia đình vào đúng ngày sinh nhật, nên tự nhiên nước mắt cứ chảy ra”… “Em đã bật khóc khi anh tiểu đội trưởng đi ngang qua mà không phát thư cho em. Em tưởng ba mẹ không viết thư, ai dè đến gần cuối em cũng có thư. Mừng quá vẫn cứ khóc”…  “Ba mẹ em ở xa. Em không viết thư, không nhận được thư nhà, nhưng thấy các bạn nhận được thư em cũng khóc”… Những lời tâm sự thật lòng ấy của các em khiến người hỏi, người trả lời và người nghe đều xúc động muốn rớt nước mắt…

Có lẽ giây phút đó các em chợt nhận ra đã thiếu vắng mẹ cha một thời gian và nỗi nhớ nhà chợt ùa đến… “Đa số phụ huynh gửi thư khuyến khích con em mình tiếp tục cố gắng rèn luyện. Nhiều phụ huynh cũng gửi thư cho Ban Tổ chức cảm ơn vì chỉ qua lá thư đầu tiên, họ đã nhìn thấy sự chuyển biến trong cách suy nghĩ và nhận thức của con em. Họ không giấu sự vui mừng khi các em kể những việc đã làm được trong thời gian huấn luyện…” – anh Trương Văn Tùng – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức chia sẻ.

“Học kỳ trong quân đội” năm thanh niên 2011 đã kết thúc, nhưng hành trình “Thép đã tôi thế đấy!” của các em học sinh chỉ mới là sự khởi đầu. Các em đang ở tuổi thiếu niên, hành trình tuổi trẻ của các em là sự nỗ lực trong học tập, lao động, làm việc và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc và tạo dựng cuộc sống cho bản thân… Ngoài cố gắng của bản thân các em, cần có sự khuyến khích, động viên của phụ huynh và xã hội để “Học kỳ trong quân đội” thực sự có ý nghĩa và là kỷ niệm không phai mờ trong suốt cuộc đời mỗi chiến sĩ nhỏ!

Lê Hoa