Các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, chất lượng dân số và biến động dân số từ di dân tự do và khách du lịch là những thách thức của dân số đối với sự phát triển của thành phố Đà Lạt.
Dân số Đà Lạt chiếm 17% số dân toàn tỉnh, với 43.135 hộ, 210.633 nhân khẩu, tốc độ gia tăng dân số trung bình cả giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 1,5%/năm. Mật độ dân số trung bình khoảng 515 người/km2, dân cư phân bố không đồng đều, khu vực nội thành có đến 933 người/km2, nhưng ở các xã vùng ven chỉ có 103 người/km2. Xu hướng tập trung dân cư tại khu vực trung tâm sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế -xã hội như: vấn đề môi trường, kiến trúc nhà ở, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Đà Lạt cần tính toán đến việc phân bố lại dân cư tại khu vực các xã ngoại thành để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố. BS Thiều Thị Kim Liên - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ cho biết: “Thành phố có đề án quy định không cho nhập cư vào các phường trung tâm để giảm tình trạng tăng dân số cơ học. Từ năm 2010, không cho nhập hộ khẩu bất kỳ lao động di dân tự do nào vào phường 1 và phường 2”.
Chênh lệch giới tính (nam nhiều hơn nữ) là một trong những thách thức của dân số Việt Nam. Ảnh: PVE |
Đà Lạt đã ổn định quy mô dân số, với tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm thấp trong vòng 10 năm qua: 1,5% (năm 2001) và dưới 1,2% (năm 2010). Như vậy, dân số Đà Lạt đạt được mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con) và đang trong xu hướng tiến đến quy mô gia đình chỉ có 1 con. Theo BS Liên: “Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Lạt đến năm 2020 đang được xây dựng có đưa ra chỉ tiêu giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%, theo góp ý của ngành chúng tôi cho rằng nên duy trì tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên của Đà Lạt ở mức 1%, tức là trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 1 con, phải giữ ở mức này để ổn định quy mô dân số, đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý và nguồn lao động cho xã hội”.
Hiện tại Đà Lạt đạt cơ cấu “dân số vàng”, nghĩa là dân số ở độ tuổi lao động chiếm ưu thế lớn và tỉ lệ người phụ thuộc trong gia đình giảm thấp. Số liệu năm 2009, lực lượng lao động của thành phố chiếm 50% dân số, với 104.064 người lao động trong các lĩnh vực: dịch vụ (chiếm 48%), nông nghiệp (31%), công nghiệp - xây dựng (21%). Tỉ lệ người lao động qua đào tạo chiếm 32% (năm 2010) là khá cao so với trung bình cả nước. Nhưng nếu tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên của Đà Lạt giảm dưới 1%, thì tốc độ già hóa dân số nhanh gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong chính sách an sinh xã hội và thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển.
Dân số Đà Lạt đang bị thách thức về chênh lệch giới tính đáng báo động. Quy mô gia đình ít con được đại đa số người dân chấp nhận sinh 1-2 con, nhưng xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh đã gây mất cân bằng giới. Số bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái đã xảy ra cao nhất ở 4 địa bàn: Phường 10 có đến 211 nam/100 nữ, phường 7 có 174 bé trai/100 bé gái, xã Trạm Hành: 165 nam/100 nữ, xã Tà Nung: 145 nam/100 nữ. Thông thường, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong khoảng 103 - 106 bé trai/100 bé gái, tình trạng “thừa nam, thiếu nữ”, dân số mất cân bằng giới tính, xã hội sẽ không phát triển hài hòa, ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học.
Nhiều năm qua, ngành dân số Đà Lạt đã xây dựng mô hình không sinh con thứ ba tại 5 địa bàn phường 1, 2, 5, 6, 9 với mục tiêu duy trì tỉ lệ sinh con thứ ba dưới 8% và năm sau thấp hơn năm trước. Thấp nhất hiện nay là ở Phường 3 với tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên đạt 3%, có những khu phố hơn 5 năm liền không có người sinh con thứ ba, điển hình là Khu phố 1 –Phường 3. Tuy nhiên, hiện nay thách thức mới là tình trạng sinh con thứ ba quay trở lại, rơi vào hai nhóm đối tượng chính đó là: Các cặp vợ chồng làm ăn giàu có và gia đình nghèo không áp dụng biện pháp tránh thai. Nhà giàu sinh thêm con thứ ba đang có xu hướng tăng, điển hình ở xã Xuân Trường bà con được mùa cà phê tăng giá lại nảy sinh… đẻ nhiều! Năm 2010 có 5 trường hợp sinh con thứ ba ở xã này, thì 6 tháng đầu năm 2011 đã có 13 ca sinh con thứ ba, tính số chị em đang mang thai dự sinh sẽ lên hơn 20 trường hợp sinh con thứ ba trong năm nay. BS Liên lo lắng: “Hộ nghèo còn dễ thuyết phục, vận động hộ giàu thì rất khó vận động, họ áp dụng các biện pháp tránh thai để hạn chế sinh con thứ ba”. Chưa kể, về cơ cấu áp dụng các biện pháp tránh thai ở Đà Lạt, tỉ lệ đình sản, đặt vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai đều đạt thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.
Tác động nhất định đến dân số Đà Lạt là lực lượng sinh viên các trường cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn thành phố. Hơn 10.000 sinh viên/năm theo học ở Đà Lạt góp phần làm biến động dân số, được quản lý tạm trú trên địa bàn. Hai phường có nhiều biến động dân số là phường 2 với 17 ngàn dân và gánh thêm 4.000 sinh viên tạm trú; phường 8 có hơn 22 ngàn người, trong đó có 5.000 sinh viên. Đây là lứa tuổi có quan hệ tình dục, bắt đầu áp dụng các biện pháp tránh thai, nhưng do biến động liên tục về chỗ ở nên khó khăn cho cán bộ dân số trong việc quản lý, tiếp cận tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Hoạt động du lịch cũng gia tăng số lượng lớn khách lưu trú tập trung vào vùng trung tâm thành phố tác động lớn đến hạ tầng và các dịch vụ liên quan.
Hạn chế tăng dân số cơ học là mục tiêu Đà Lạt đưa ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Di dân tự do đến Đà Lạt chủ yếu tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2010: Số người đến Đà Lạt 652 người tạm trú, số chuyển đi 722 người. Như vậy, người di cư đến thành phố ít hơn số người ra đi khỏi thành phố, cho thấy Đà Lạt không bị áp lực về di dân tự do.
Nhiều đề án liên quan đến việc nâng cao chất lượng dân số, giống nòi như: giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết… đang triển khai tại Đà Lạt, nơi có 36 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 96%, còn lại là người K’ho, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Thái… Bước đầu khảo sát ở Tà Nung có đến 18 cặp tảo hôn và 8 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết. Thách thức lâu dài đối với dân số - con người Đà Lạt chính là việc nâng cao chất lượng dân số mà vẫn giữ được phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.