Đây là mái ấm tình thương, đã bồi đắp tâm hồn, thắp niềm hy vọng, ươm mầm sáng cho các em khiếm thính và chậm phát triển. Những ai đã từng tới thăm trường có lẽ sẽ không khỏi chạnh lòng trước những số phận không may.
Được thành lập từ năm 1998, Trường nuôi dạy trẻ khiếm thính tình thương Lộc Phát đã đáp ứng niềm mong mỏi của các gia đình có con em khuyết tật được học hành và hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Đ 13 năm qua, bằng tình yêu thương, tấm lòng sẻ chia của 5 xơ Dòng tu viện mến thánh giá Đà Lạt, mái ấm tình thương từng bước khắc phục những khó khăn đi vào hoạt động ổn định, chăm sóc và nuôi dạy hơn 50 trẻ khuyết tật ở các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Có đến mái ấm tình thương của trẻ khuyết tật mới thấu hiểu nỗi vất vả của các xơ đứng lớp cũng như cảm thương với những mảnh đời bất hạnh. Trong căn phòng rộng khoảng 20 m2, gần chục trẻ khiếm thính lớp dự bị ngồi thành vòng tròn đang học cách phát âm, đánh vần và ghép chữ, xem tranh ảnh. Mỗi khi những bàn tay nhỏ bé của các em đua nhau giơ lên, khi được gọi đến tên, các em phấn khởi trả lời. Câu trả lời đúng được vỗ tay khen ngợi. Câu trả lời chưa đúng cũng được cô và các bạn trong lớp vỗ tay cổ vũ động viên cho những lần sau. Vì vậy, những tiết học của trẻ khiếm thính luôn đầy ắp tiếng cười và rộn rã tiếng vỗ tay khích lệ.
Ở Trường khiếm thính tình thương Lộc Phát, lớp dự bị được cho là lớp học khó nhất. “Vì đây được xem là lớp đệm cho các lớp học sau. Khi tiếp xc, các em khiếm thính rất rụt r, thường là hiểu được người khác nói gì, nhưng các em lại không biết cách phát âm hoặc phát âm người nghe không thể hiểu được. Do vậy, giáo viên đứng lớp phải có nhiều kinh nghiệm, phải hiểu tâm lý của trẻ khiếm thính và có lòng kiên nhẫn, thương yêu trẻ sâu sắc thì mới đứng lớp được!” - xơ Nguyễn Thị Minh - quản lý Trường khiếm thính tình thương Lộc Phát, cho biết. Những năm trước, xơ cũng là người trực tiếp phụ trách các lớp dự bị. Để dạy lớp dự bị năm học sau tốt hơn năm học trước, mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, xơ đều dành thời gian nghiên cứu, chắt lọc kinh nghiệm trong cách dạy.
Nhiều trẻ khiếm thính đến với các xơ từ khi vừa tròn 2 tuổi hoặc lớn tuổi hơn nhưng cũng chưa biết gì. Để dạy trẻ khiếm thính, các xơ phải bắt đầu làm quen với ký hiệu ngôn ngữ của trẻ từ những câu đơn giản, như phát âm chữ cái; những câu chào hỏi, giao tiếp hằng ngày. Khi các em chưa hiểu, các xơ phải dùng phương pháp dạy múa dấu theo quy định và múa chữ cái. Đây là 2 phương pháp dạy không thể thiếu trong các tiết học của trẻ khiếm thính. Các xơ cũng rất cần mẫn dạy các em cách nghe, cách phát âm và cảm thụ ngôn ngữ dấu hiệu được diễn đạt qua tay, chân, ánh mắt, nụ cười… góp phần khơi dậy sự phát triển tâm hồn của trẻ khiếm thính.
Ngoài dạy chữ, học cách làm người, hàng ngày, các xơ còn dạy các em cách sinh hoạt trong cuộc sống. Từ việc đơn giản nhất, như vệ sinh cá nhân đến việc gấp mùng mền sau khi ngủ dây, rửa chén bát, trồng rau… để các em có thể tự chăm sóc bản thân và gia đình sau này. Song hành với việc dạy văn hóa, để tạo điều kiện cho các em có cơ hội tìm việc làm nuôi sống bản thân và tạo lập cuộc sống gia đình, ngoài việc học văn hoá vào buổi sáng, buổi chiều các em còn được tham gia học nghề như nghề may, đan len, thêu, điện lạnh… tuỳ thuộc vào nguyện vọng của trẻ khiếm thính
Kinh phí hoạt động của mái ấm tình thương hoàn toàn nhờ vào sự tài trợ của Dòng tu mến thánh giá Đà Lạt và một phần đóng góp tự nguyện của gia đình các em. Để góp phần hỗ trợ việc dạy học của các xơ đạt hiệu quả hơn, nhiều tấm lòng hảo tâm của các “mạnh thường quân”, các tổ chức từ thiện xã hội cũng đã giúp đỡ nhà trường sách vở, thiết bị, dụng cụ dạy học, tai nghe cho trẻ khiếm thính. Do kinh phí hạn hẹp, nên Trường khiếm thính tình thương Lộc Phát chỉ dạy các em chương trình bậc tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục. Từ ngày thành lập đến nay, mái ấm tình thương này đã có 8 trẻ khiếm thính tốt nghiệp bậc tiểu học; nhiều em đã trưởng thành, biết đọc sách, biết diễn đạt cảm xúc của mình cho người khác hiểu, có gia đình, có việc làm ổn định và hòa nhập được với cộng đồng.