Nghĩa "thọt"

02:07, 31/07/2011

Nghĩa "thọt" cái tên thân thương mà đồng đội đặt cho anh sau lần bị thương khi chuẩn bị đi chiến trường ven thành phố Đà Lạt. Sau gần 40 năm, gọi lại tên ấy không ai thể quên được, anh cảm thấy tự hào với những năm tháng mà tuổi trẻ đã cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Nghĩa "thọt" cái tên thân thương mà đồng đội đặt cho anh sau lần bị thương khi chuẩn bị đi chiến trường ven thành phố Đà Lạt. Sau gần 40 năm, gọi lại tên ấy không ai thể quên được, anh cảm thấy tự hào với những năm tháng mà tuổi trẻ đã cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Anh “Nghĩa thọt” thương binh loại 4/4 là cơ sở nội tuyến tham gia đánh đồn Định An tháng 3/1969.
Anh “Nghĩa thọt” thương binh loại 4/4 là cơ sở nội tuyến tham gia đánh đồn Định An tháng 3/1969.
Anh Nghĩa tên thật là Trần Thọ, sau khi thoát ly tham gia kháng chiến anh được các chú đặt tên Trần Thanh Nghĩa quê ở Hòa Phong, Hòa Vang, Quảng Nam. Từ những năm 1967-1968, cậu bé Nghĩa đã rời xa quê vào Đà Lạt để làm thuê kiếm sống, mục đích chính là chuyển vùng trốn lính. Mảnh đất Đà Lạt là quê hương thứ hai, nơi đây đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời của chàng trai thanh niên xứ Quảng. Khi tôi đặt vấn đề viết về chiến công của anh đánh đồn Định An tháng 3/1969, anh suy nghĩ trong giây lát, ký ức một thời vang bóng như sống lại trong anh, mới đầu còn xúc động bồi hồi, về sau càng nói càng sôi nổi, càng hiếu động như tính cách của anh thời trai trẻ cho dù năm nay anh đã bước qua tuổi 67, tóc đã ngả màu sương.

Trước khi đánh đồn Định An, anh là người lính bên kia chiến tuyến. Gia đình anh là cơ sở cách mạng, chú, anh là đảng viên, em trai là quân giải phóng nhưng anh lại tham gia "bình định nông thôn". Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân (1968), địch tăng cường bắt lính để bù đắp vào số quân bị thiếu hụt. Cậu thanh niên Nghĩa nằm trong tuổi trốn lính. Vì sự nhận thức hạn hẹp, mặt khác nhiều tác động khách quan, có người nói rằng vào "bình định nông thôn" là không cầm súng, không phải đi lính, sống gần dân, không ra mặt trận... nên anh gia nhập hàng ngũ này. Cũng cần phải nói thêm về cái tên mỹ miều "cán bộ xây dựng nông thôn" nghe có vẻ yêu nước, thương dân nhưng mục đích chính của tổ chức này là chúng cho những tổ, đội xuống len lỏi sống ba cùng với nông dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) nhằm mục đích phát hiện cơ sở, những nhà dân tiếp tế, nuôi giấu cán bộ trong hầm bí mật.

Anh tâm sự "sau 3 tháng đi học ở Vũng Tàu về mình mới ngộ ra âm mưu dã man của địch. Sau bao đêm trằn trọc suy tư, mình tự nghĩ nhà mình là cách mạng, quê hương là nơi có truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp (vùng giải phóng liên khu V) tại sao mình lại tiếp tay cho giặc, nhưng suy nghĩ mãi vẫn không có "lối ra". Một hôm tình cờ lên phố gặp lại người anh cô cậu, anh Chiến (lúc này anh Chiến đã là cán bộ hoạt động bí mật trong nội thị) mà làm sao mình biết được. Hai đứa kéo nhau vào một quán cà phê gần đấy ngồi nói chuyện làm ăn, trốn lính, cuối cùng mình nói xa gần với anh Chiến về tình cảnh và cố đi tìm "lối ra" nhưng anh chỉ ầm ừ cho qua chuyện.

Anh Hồ Ngọc Chiến nói: "Tôi biết nhiều về gia đình Nghĩa, thuở ấu thơ, bọn chúng mình cùng tắm sông, chăn trâu, thả diều bên bòng sông Túy Loan. Sau nhiều lần thăm dò mình đã báo cáo ra cứ cho chú Tư. Chú Tư Ngọc là ông Trần Ngọc Trác (lúc bấy giờ là Bí thư Thị ủy Đà Lạt) xây dựng anh Nghĩa trở thành cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ "bình định nông thôn" nhưng chú Tư Ngọc không đồng ý. Chú đã phân tích rõ bản chất của tổ chức này, là đối tượng nguy hiểm hơn các sắc lính khác, cần phải đề phòng cảnh giác".

Thời gian cứ trôi đi, nhiều lần gặp lại, nhiều thử thách đặt ra, giao công việc từ xa tới gần cho anh Nghĩa, anh đã làm tốt việc nắm quân số ở đồn, có bao nhiêu vũ khí, loại gì, ở quanh đồn có bao nhiêu hàng rào kẽm gai, địch bố trí canh gác ra sao... Ngoài ra, còn tiếp cận thêm danh sách một vài tên dân ý vụ nằm trong khu vực ven trục lộ 20 từ thác Prenn đến ngã ba Phi Nôm.

Sau những lần báo cáo ra cứ về những việc làm của anh Nghĩa, chú Tư Ngọc cho phát triển cơ sở nội tuyến và chỉ đạo phối hợp trong ngoài đánh đồn Định An. Đây là một điểm chốt quan trọng của địch nằm trên trục lộ 20, án ngữ phía tây thị xã Đà Lạt, ta đã nhiều lần công kích nhưng không giải quyết được. Thường xuyên ở đồn có một trung đội địa phương quân, một trung đội "bình định nông thôn" và thỉnh thoảng có một vài toán thám báo, biệt kích đi lùng sục về ngủ qua đêm.

Trước ngày đánh đồn, anh Nghĩa được bố trí ra rừng gặp bộ đội chỉ huy tiền phương ở núi Voi để lên sa bàn lập kế hoạch tiến quân. Hai bên cùng thống nhất tín hiệu "đất ta ta nằm" địch đang còn thức "đất ta vùng lên" là an toàn. Nhiệm vụ của anh Nghĩa đêm ấy phải cắt rào, gỡ mìn, rải giấy.

Đêm 20/3/1969, trước giờ nổ súng anh thương lượng với tên lính trực phiên kế tiếp "ngày mai nhà tao có giỗ, đêm nay tao trực thế mày" tên lính đồng ý. Đêm ấy phiên trực của anh kéo dài. Anh đã cắt 4/5 lớp rào kẽm gai, lớp rào sau cùng để lại sợ bị lộ. gỡ được 8 quả mìn Calaymon, gần tới giờ nổ súng anh rải giấy trắng từ hàng rào lên phía trung tâm đồn để chỉ đường cho bộ đội tấn công.
Đúng giờ G tiếng hát từ rào kẽm gai vọng ra "đất ta vùng lên", bộ đội ta nhanh chóng dùng thủ pháo tiêu diệt lô cốt tiền tiêu mũi mật tập của Đại đội đặc công Tiểu đoàn 145 phá lớp rào gai cuối cùng theo lối rải giấy trắng tiếp cận đến trung tâm đồn. Mặt khác, mũi cường tập của Tiểu đoàn 810 phía sau đồn cũng đã kịp thời nổ súng. Những âm thanh vang rền từ những khối bộc phá C4, TNT phá tan đồn giặc, sau hơn 30 phút làm chủ trận địa ta diệt trên 40 tên tại chỗ, làm bị thương một số lính, thu vũ khí làm chiến lợi phẩm. Đêm ấy anh Trần Thanh Nghĩa cõng thương binh cùng đồng đội vượt qua cửa chính về cứ an toàn, từ đó anh thoát ly trở thành quân giải phóng.

Ra rừng, anh về Đội võ trang tuyên truyền, sau chuyển qua Đội biệt động 852, một lần đi chuẩn bị chiến trường, bị phục kích, anh bị thương ở chân, hiện là thương binh loại 4/4, từ đó đồng đội thân thương gọi anh là "Nghĩa thọt". Cũng năm đó anh được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công, Dũng sĩ diệt ngụy (5 tên), nhận bằng khen của Tỉnh ủy Tuyên Đức kèm theo 2.000 đồng tiền chế độ cũ. Anh được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau giải phóng anh về công tác ở phường 6, sau chuyển qua làm phường đội trưởng phường 12, thành phố Đà Lạt, hiện anh đã nghỉ hưu.

Sau hơn 40 năm, chúng tôi theo đoàn cựu chiến binh về thăm lại đồn Định An, giờ đây chỉ là đồi đất trống cỏ mọc um tùm. Cả đoàn thắp những nén hương trên gò đất trước đồn để tưởng nhớ tới những đồng đội đã hy sinh đêm công đồn. Cả đoàn mong muốn chính quyền các cấp xây dựng nơi đây một bia tưởng niệm ghi tên những liệt sĩ đã ngã xuống trên đất này.

VÕ TRẦN PHÚ