Ngôi nhà của những ước mơ

03:07, 21/07/2011

Đó là ngôi nhà của người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè (cơ sở 2 Lộc Phát, Bảo Lộc).

Có mặt trong lớp học đặc biệt dành cho người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè (cơ sở 2 Lộc Phát, Bảo Lộc), chúng tôi khâm phục ý chí và nghị lực của học sinh khuyết tật nơi đây. Dẫu biết thân phận chẳng may mắn, dẫu biết mình học trước quên sau, nhưng các em vẫn cặm cụi đánh vần từng con chữ, làm từng phép toán cộng, trừ. Và dường như chính những khiếm khuyết cơ thể, sự bất hạnh đời thường đã tạo cho các em lòng kiên trì ấy.
 
Trong giờ học.
Trong giờ học.

Từ lớp học và mô hình lao động trị liệu đặc biệt

Được thành lập năm 1994, theo mô hình lao động trị liệu như một xã hội thu nhỏ, Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè (cơ sở 2 Lộc Phát) là nơi sinh hoạt, học tập và lao động của trên 75 học viên khuyết tật, bại não độ tuổi từ 15 trở lên. Vượt qua nỗi đau thể xác, mặc cảm và tự ti, những người khuyết tật tại Trung tâm đã chứng minh rằng họ “tàn nhưng không phế” qua việc nỗ lực học tập và lao động cần mẫn. Mỗi ngày, dưới sự hướng dẫn của nhân viên Trung tâm, các em học viên tham gia lao động từ 2 - 3 tiếng đồng hồ, thường là vào buổi sáng, khi trời còn mát. Sau đó, các em nghỉ ngơi, ăn trưa và học tập vào buổi chiều. Mục đích của việc lao động chỉ là để các em được tiếp xúc với môi trường, biết về cây, cỏ, thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe, để từ đó  đẩy nhanh sự phục hồi trong quá trình điều trị bệnh.

Đến các ngôi nhà tự quản của người khuyết tật

Theo lời giới thiệu của cán bộ quản lý trung tâm, chúng tôi đã ghé thăm nhà tự quản Mai Khôi. Đây là 1 trong số 5 ngôi nhà tự quản của Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè  (cơ sở 2 Lộc Phát). Những người khuyết tật  trong khu nhà này đã đưa chúng tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không chỉ tự nấu ăn và sắp xếp, bày biện đồ đạc trong nhà gọn gàng, ngăn nắp mà cả những công việc như: cuốc đất trồng trà, cà phê, hái rau, chăm sóc  heo, gà, tăng gia sản xuất… việc nào các em cũng làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ và khoa học theo hướng dẫn của nhân viên Trung tâm. “Mỗi gia đình tự quản có 1 nhóm trưởng, chịu trách nhiệm quản lý và phân công công việc cho các anh chị em khác. Thường thì chúng tôi phân công việc nhà theo tháng và mỗi người đều nhớ việc của mình. Ngoài tiền phụ cấp hàng tháng, Trung tâm còn chia cho mỗi nhà 4 sào đất có sẵn cà phê, chúng tôi cũng trồng thêm những loại cây khác như: rau, đậu, hoa… để tăng thu nhập!”- chị Nguyễn Thị Phương Dung ( bị liệt 2 chân) nhóm trưởng nhà tự quản Mai Khôi, cho chúng tôi biết.

Và khát khao hòa nhập cộng đồng

Suốt 16 năm sống trong làng khuyết tật Lộc Phát, được các thầy cô chăm lo dạy dỗ, học viên Nguyễn văn Thảo – một thanh niên từng bị thiểu năng trí tuệ gần như đã được bình phục. Cũng như các học viên khác trong Trung tâm, Thảo khao khát được tiếp xúc với bên ngoài xã hội, được cộng đồng đón nhận và một ngày nào đó có thể tự kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Ước mơ ấy có lẽ rất bình thường nhưng lại là nguồn động lực to lớn để Nguyễn Văn Thảo và các bạn vượt qua nỗi đau thể xác, quên đi những tổn thương, mặc cảm, hoà nhập cùng cộng đồng xã hội. “Canh cánh trong lòng bản thân tôi và các xơ tại Trung tâm vẫn là mỗi khi các em tiếp xúc với bên ngoài. Một phần là do các em bị khuyết tật, thiểu năng, ít có cơ hội tiếp xúc với người lạ, nên khi gặp gỡ thì các em ái ngại. Tuy nhiên, ngoài đời cũng có người kỳ thị, thiếu tôn trọng các em. Có một vài em trong Trung tâm chỉ bị tật nhẹ, được chúng tôi cho ra học ở trường chung với cộng đồng, nhưng chỉ được mấy hôm là các em khóc và nhất định đòi về, do bạn bè trêu chọc. Điều này làm chúng tôi hết sức đau lòng!” - Xơ Nguyễn Hoàng Oanh - quản lý Trung tâm, chia sẻ.
Khát khao hoà nhập cộng đồng là một ước mơ đời thường. Thế nhưng để ước mơ ấy thành hiện thực, khi trở lại với cuộc sống cộng đồng, những học viên bất hạnh này vẫn cần lắm sự cảm thông và những vòng tay nhân ái, bao dung.
 
BÍCH HỒNG