Những di sản quý giá nằm dưới mặt đất sẽ bị xới tung

07:07, 22/07/2011


Chúng ta chỉ mới thấy phần nổi phát lộ của khu di tích, các giá trị chưa được phát hiện chắc chắn còn rất nhiều và cần nghiên cứu, khám phá dài hơi. Nếu xây thuỷ điện ở những nơi có các di sản quý báu đó thì phần văn hoá bị nhấn chìm trong nước, đây là điều đáng tiếc.

Một quần thể kiến trúc cổ kính, đồ sộ và đa phong cách đã được tìm thấy ở vườn quốc gia Cát Tiên là cơ sở để Việt Nam nộp hồ sơ lên UNESCO công nhận khu di tích này là di sản văn hoá thế giới. Sự xuất hiện của thuỷ điện có thể nhấn chìm toàn bộ khối di sản có giá trị văn hoá cao này xuống nước. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc phỏng vấn ông Lương Nguyên Minh, trưởng ban quản lý di tích khảo cổ học Cát Tiên (Sở Văn hoá – thể thao và du lịch Lâm Đồng) về vấn đề này.

Di tích Gò 1A (Khu Di chỉ Khảo cổ học Cát Tiên) - nơi có bộ Linga - Yoni cao lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á. Ảnh Hữu Sang/Báo Lâm Đồng
Di tích Gò 1A (Khu Di chỉ Khảo cổ học Cát Tiên) - nơi có bộ Linga - Yoni cao lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á. Ảnh Hữu Sang/Báo Lâm Đồng.
Ông đánh giá độ lớn của khu di tích khảo cổ nằm trong khu vực rừng Cát Tiên này thế nào, thưa ông?


Các biểu hiện văn hoá, tôn giáo mang bản sắc của Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo và sự đa dạng về kiến trúc thể hiện như kiểu kiến trúc Ấn Độ, Khmer, Chămpa khiến các nhà khảo cổ học trong nước và thế giới chưa thể xác định được ai mới thực sự là chủ nhân của quần thể di tích này. Ví dụ, văn hoá Ấn Độ kéo dài từ Ấn Độ sang đến Đông Nam Á với Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia và Việt Nam với những nét tương đồng rất rõ rệt. Các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong di tích với tính đa dạng của nó không chỉ là sản phẩm của ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ đơn thuần mà là sự tổng hoà của nhiều nền văn hoá. Các chuyên gia khảo cổ Ấn Độ khi đến đây cũng phải thừa nhận, ngay cả trên chính đất nước họ cũng chưa thấy sinh thực khí (linga và yoni) lớn như tại Cát Tiên. Chúng tôi chưa dám nói nó lớn nhất thế giới nhưng ở bình diện Đông Nam Á thì có thể.

Trên quan điểm khám phá, bảo vệ, quảng bá di tích chúng tôi sẽ xin chủ trương quy hoạch tổng thể di tích gồm bảo tàng nổi có mái che cho các di tích và bảo tàng kín để trưng bày các mẫu vật bằng vàng, bằng thạch anh, bằng đá... Nó tạo thêm cơ hội cho những người tìm đến Cát Tiên có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể kiến trúc này.

Ông đã nhận được thông tin về việc thuỷ điện sẽ gây ảnh hưởng đến khu di tích?

Chúng ta chỉ mới thấy phần nổi phát lộ của khu di tích, các giá trị chưa được phát hiện chắc chắn còn rất nhiều và cần nghiên cứu, khám phá dài hơi. Nếu xây thuỷ điện ở những nơi có các di sản quý báu đó thì phần văn hoá bị nhấn chìm trong nước, đây là điều đáng tiếc. Tôi có xem việc quy hoạch thuỷ điện trên báo chí nhưng chưa được xem hồ sơ xây thuỷ điện, nên không dám nói thuỷ điện có ảnh hưởng thế nào đến quần thể di tích. Bản thân quần thể di tích này cũng không chỉ nằm trên địa bàn quản lý của Lâm Đồng nên cần có sự phối hợp liên tỉnh.

Văn hoá tự nó không có biên giới nào cả nên chuyện các giá trị văn hoá được phát hiện ở khu trung lưu sông Đồng Nai có thể kéo dài đến tận Cần Giờ (TP.HCM) với các biểu hiện liên quan là chuyện bình thường.
 
Cần phải làm một bản đồ để hình thành lại các con đường, bệ thờ, khu vực dân cư cổ trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thật nghiêm túc và được đầu tư dài hơi. Tuy nhiên, đây không phải là việc của một người, một đơn vị mà đòi hỏi có sự phối hợp liên vùng và các quyết sách ở cấp cao hơn. Trước mắt, tôi đang thu thập tài liệu liên quan đến dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A để có thêm cơ sở.

Chủ đầu tư dự án là tập đoàn Đức Long – Gia Lai và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có liên hệ đặt vấn đề về việc tiến hành khảo sát ở khu vực dự án của họ không, thưa ông?

Không hề!

Nếu thuỷ điện vẫn được cho phép tiến hành thì sao?

Tôi thấy báo chí đăng cả bản đánh giá tác động môi trường của dự án cũng có vấn đề kia mà. Nếu được làm, không chỉ những khoảnh rừng biến mất, các di tích biến mất dưới làn nước, mà con đường dẫn vào thuỷ điện cũng có thể xới tung cả những di sản quý giá đang nằm dưới mặt đất.

Theo Mai Quốc Ấn (SGTT.VN)