Phường I (Bảo Lộc) - Điểm sáng “đền ơn đáp nghĩa”

02:07, 26/07/2011

Những năm qua, phường I là một trong những đơn vị của thành phố Bảo Lộc làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng.

Những năm qua, phường I là một trong những đơn vị của thành phố Bảo Lộc làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Từ sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền và nhân dân địa phương, nhiều gia đình chính sách đã có cuộc sống ổn định. Đây là việc làm thiết thực nhằm bù đắp một phần mất mát, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
 
Viếng thăm đồng đội - Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Viếng thăm đồng đội - Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Phường I (thành phố Bảo Lộc) có 118 gia đình thương bệnh binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng đang sinh sống. Phần lớn các gia đình đều có kinh tế ổn định. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số gia đình chính sách thuộc diện khó khăn cần được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể phường 1 luôn thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quan tâm chăm sóc các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng neo đơn.

Công tác đền ơn đáp nghĩa đã huy động được sức dân, các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp tham gia. Từ quỹ đền ơn đáp nghĩa, 5 năm trở lại đây, phường I đã xây dựng được 17 căn nhà tình nghĩa trị giá hơn 300 triệu đồng để trao tặng các gia đình thương bệnh binh, liệt sỹ gặp khó khăn về nhà ở. Trong đó, bình quân mỗi căn được hỗ trợ từ 20 đến 30 triệu đồng và cũng có những căn nhà tình nghĩa được hỗ trợ đến 60 triệu đồng. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhung – con liệt sỹ Nguyễn Quang Thủy. Khi cha hy sinh, Nhung mới tròn 2 tuổi. Mẹ “đi bước nữa”, Nhung ở với ông bà nội tuổi cao sức yếu. Cuộc sống hàng ngày nhiều khó khăn, vất vả, gia đình chị chưa có nhà ở ổn định, phải ở thuê ở mướn. Bằng sự chăm sóc thiết thực đối với con liệt sỹ Thủy, UBND phường I đã cấp 130 m2 đất ở tại khu tái định cư phường Lộc Phát cho gia đình. Khi có đất, Hồng Nhung lại không có tiền làm nhà, phường tiếp tục vận động các nhà hảo tâm đóng góp 65 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa giúp chị. Đến thăm gia đình Nhung trong căn nhà mới khang trang ấm áp tình nghĩa của cán bộ và nhân dân, ông nội chị xúc động tỏ lòng biết ơn nghĩa cử tri ân của chính quyền địa phương và nhân dân đã giành cho gia đình. “Tôi rất cảm ơn cán bộ và nhân dân nhiều lắm! Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà cháu tôi từ nay đã có nhà ở ổn định, yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Ông, cháu tôi vui lắm!” - ông Nguyễn Quang  Huy – bố liệt sỹ Nguyễn Quang Thủy, không giấu được niềm vui sướng, tâm sự.

Ngoài việc xây dựng nhà tình nghĩa, phường I còn đề nghị thành phố dành hẳn 1 khu đất thuộc địa bàn khu phố 3B để trợ cấp đất ở cho hơn 10 hộ gia đình chính sách, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh để tính giá, có hộ được trợ cấp 100%, có hộ chỉ đóng tiền 50% giá trị của lô đất. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về xây dựng nhà ở, cấp đất và tạo vốn làm ăn, nhiều gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công với cách mạng cũng đã tự phấn đấu nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình như gia đình anh Huỳnh Thận – thương bệnh binh, ngụ tại khu 3B (phường I).  Trong căn nhà được làm trên khu đất dành cho các hộ gia đình chính sách, niềm nở qua câu chuyện của người lính năm nào, chúng tôi không khỏi khâm phục về nghị lực phấn đấu của gia đình anh. Anh Huỳnh Thận trầm tĩnh kể chúng tôi nghe đôi chút về cuộc đời mình. Năm 1984, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ ở Campuchia. Sau đó bị thương, anh trở về Bảo Lộc sinh sống với thương tật 61%. Chiến tranh đi qua, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát đau nhức. Song không vì thế mà anh ỷ lại. Anh xây dựng gia đình, do thương tật ảnh hưởng đến sức khỏe không cho phép anh làm những công việc nặng nhọc, lương thương bệnh binh mỗi tháng hơn 1,4 triệu đồng không đủ chi tiêu cho bản thân, nên anh tự nhủ mình phải học một nghề để nuôi sống bản thân và phụ vợ nuôi con ăn học. Nghĩ là làm, anh mày mò tham gia học nghề sửa chữa điện tử. Sự nhanh trí, ham học hỏi và bản chất của người lính Cụ Hồ, sau một thời gian học, anh đã bắt đầu tập tành sửa chữa được những chiếc ti vi, cát-set, vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Và rồi, trong căn nhà nhỏ tại khu 3B, hàng ngày anh nhận sửa chữa hàng điện tử. Tay nghề khá cao và có uy tín, khách hàng tin tưởng tìm đến anh sửa chữa ngày một nhiều hơn. Thu nhập khấm khá, cùng với nghề may của vợ, giúp anh đảm bảo cho gia đình một đời sống ổn định.
 
Cùng với công tác đền ơn đáp nghĩa, hàng tháng cũng như vào dịp lễ tết, chính quyền phường còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình vươn lên trong cuộc sống. Theo khảo sát, đến nay, các gia đình chính sách tại phường I (thành phố Bảo Lộc) có cuộc sống khá giả chiếm 65%. Gia đình nào cũng có nhà ở ổn định, không còn hộ đói nghèo. Ông Ngọc Tú – cán bộ phụ trách công tác đền ơn đáp nghĩa (Phòng Lao động Thương binh Xã hội thành phố Bảo Lộc) cho biết: Phường I, là phường trung tâm của thành phố, làm tốt công tác chăm sóc các gia đình chính sách là chuyện không khó. Song có được kết quả đó là bằng chứng thể hiện sự quan tâm sâu sắc kịp thời của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường.

“Hiện nay, UBND phường I tiếp tục xin UBND thành phố cấp đất (với giá ưu đãi để làm nhà ở) cho 40 gia đình thương bệnh binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng (bình quân mỗi lô 150 m2). Từ đầu năm 2011 đến nay, phường I còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách với số tiền trị giá 22 triệu đồng; tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và đời sống của các gia đình chính sách để kịp thời động viên, hỗ trợ và coi đó là một sự tri ân sâu sắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân phường đối với những gia đình có công!” - ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND phường I, cho biếtª

PHẠM HUYỀN