Trước thềm năm học mới, nhu cầu vay vốn để học tập đang rất lớn. Vì vậy, vấn đề tuyên truyền rộng rãi và cụ thể chương trình, thực hiện bình xét công bằng và hiệu quả đối tượng được vay… là những nội dung rất quan trọng.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách hướng dẫn sinh viên làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Ảnh Internet |
Với 14 khu phố, 144 tổ dân phố, công tác tuyên truyền được thực hiện từ hai kênh gồm: Ban Chính sách xã hội phường và khu phố trưởng các khu phố. Từ đó, công việc sẽ được phối hợp với bốn tổ chức chính trị xã hội là những đoàn thể nhận ủy thác nguồn vốn gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường để triển khai sâu rộng chủ trương này. Thông tin được nắm bắt ngay từ cơ sở để đảm bảo tính chính xác, cho vay đúng đối tượng, không sót hộ gia đình khó khăn, không cho vay sai đối tượng, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để thủ tục được thực hiện nhanh gọn và nguồn vốn giải ngân kịp thời. Đến nay, tại phường 2 có 49 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động. Nếu tại một số địa phương khác, UBND địa phương khá lúng túng trong khâu bình xét, lựa chọn, điều tra danh sách học sinh sinh viên trúng tuyển và đang đi học có nhu cầu vay vốn… thì tại phường 2, nhờ tổ chức có hệ thống và hoạt động đều tay từ hơn 3 năm nay đã tạo nhiều thuận lợi cho người vay. Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, các hộ, gia đình có nhu cầu vay vốn được xét duyệt từ tổ dân phố một cách công khai thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể. Danh sách này được thông qua Ban Chính sách xã hội của phường kiểm tra đối chiếu và đề nghị ngân hàng xét hồ sơ. Thời gian từ khi xét duyệt đến khi hoàn tất hồ sơ diễn ra trong vòng 5 ngày.
Sau 3 năm học, có 582 hộ gia đình tại địa phương đã được vay vốn với dư nợ gần 12 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,2% số hộ dân được tiếp cận nguồn vốn này, dư nợ cho vay học sinh, sinh viên hiện chiếm 57,3% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện tại phường 2. Đặc biệt, bên cạnh việc làm tốt khâu triển khai vay vốn, công tác thu lãi và vốn gốc được địa phương thực hiện rất tốt. Dù phát sinh một số hộ gia đình chuyển khỏi địa phương trong quá trình vay vốn nhưng nhờ công tác quản lý chặt chẽ, các đoàn thể, UBND phường, các đơn vị liên quan đã kịp thời động viên hộ gia đình, thu hồi và bảo toàn nguồn vốn.
Do đặc thù của chương trình cho vay này là thông qua hộ gia đình để học sinh, sinh viên được thụ hưởng nguồn vốn, ông Vũ Đức Quyển cho rằng chương trình sẽ thành công khi có sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, vì tương lai lâu dài của nguồn vốn và đáp ứng nhiều hơn nhu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên khó khăn. Trước thềm năm học mới, nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình đang bức thiết, theo quyết định mới nhất - Quyết định 853/QĐ-TTg ngày 3/6/2011, kể từ ngày 1.8, mức cho vay tối đa sẽ tăng từ 900.000/đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng/HSSV với mức lãi suất 0,65%/tháng.