Thăm Liverpool – Thủ đô văn hoá của châu Âu

10:07, 24/07/2011

(LĐ online) -Hơn 9  giờ đêm trời Liverpool vẫn sáng như ban ngày, đường phố chưa lên đèn, những con chim biển đặc trưng ở vương quốc Anh vẫn bay lượn đuổi nhau trên những ngọn cây và trên những tầng cao của các toà nhà.

(LĐ online) - Hơn 9  giờ đêm trời Liverpool vẫn sáng như ban ngày, đường phố chưa lên đèn, những con chim biển đặc trưng ở vương quốc Anh vẫn bay lượn đuổi nhau trên những ngọn cây và trên những tầng cao của các toà nhà. Người ta thường gọi  “Vương quốc Anh” – “United kingdom viết tắt là UK” đó là tên gọi thường dùng của  tên đầy đủ là” Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland”, bao gồm 4 thành phần:   Nước Anh( England) chiếm phần lớn diện tích, dân số và giữ vị trí chủ đạo về kinh tế, chính trị ; Xứ Wales nằm ở miền trung; Nước Scotland nằm phía bắc và Bắc Ireland Liverpool một thành phố thuộc miền trung và nằm trên bờ biển phía tây của nước Anh. Thành phố có trên 400.000 dân.
     
Liverpool được mệnh danh là thành phố của giáo dục, ở đây có 3 trường đại học lớn với khoảng trên 50.000 sinh viên từ đại học đến tiến sĩ, mỗi trường đại học có hàng chục cơ sở như các khoa, các giảng đường, cơ sở thực hành, cơ sở nghiên cứu, thư viện, các câu lạc bộ,  trung tâm thể thao với đầy đủ  các bộ môn kể cả môn leo núi trên vách thẳng đứng…. Tất cả được toạ lạc trên những đường phố chính của trung tâm  thành phố.
    
Liverpool được mệnh danh là thành phố văn hoá với rất nhiều các bảo tàng , nhiều tượng đài và sự kiện văn hoá hàng năm, nhưng nổi tiếng nhất của Liverpool là ban nhạc Beatles huyền thoại với chỉ 4 thành viên đã làm cho cả thế giới khâm phục, ngưỡng mộ và xem họ như là tài sản quí giá của cả nhân loại.
      
Đội bóng đá Liverpool là một trong những đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh  với 5 cúp C1 châu Âu. Sân bóng đá Anfield là sân nhà của đội bóng Liverpool với 45.276 chỗ ngồi
      
Với nhiều lý do Liverpool đã được  công nhận là thủ đô văn hoá của châu Âu năm 2008.
    
Đến với thủ đô văn hoá của châu Âu chúng ta không thể không đi thăm các bảo tàng nổi tiếng ở đây, trong đó bảo tàng nô lệ được xây dựng ngay trên bến cảng đã từng hàng trăm năm đổ hàng hoá  nô lệ xuống thị trường châu Âu với  nhiều điều để suy ngẫm. Liverpool trước đây là một làng chài nghèo, sau khi được hình thành nên thành phố cảng cũng chỉ là một thị trấn không phát triển mấy, nhưng từ khi con tàu đầu tiên , tàu Liverpool Merchant sang tận châu Phi tìm mua nô lệ về cập cảng Liverpool vào năm 1700 thì việc buôn nô lệ trở nên sôi động. Người ta thống kê có đến 40% nô lệ của thế giới và có 80% nô lệ của nước Anh được mua bán ở thị trường Liverpool . Từ đó thành phố phát triển mạnh về mọi mặt, đã thật sự lột xác và trở thành trung tâm tài chính của nước Anh, cũng từ đó cộng đồng người da đen phát triển rất nhanh chóng ở Liverpool. Đến khoảng giũa thế kỷ IX do sự đấu tranh của người nô lệ , do sự tham nhũng của bộ máy cầm quyền trong việc buôn nô lệ, bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, nước Anh chấm dứt chế độ mua bán nô lệ vào năm 1838, việc buôn nô lệ lại chuyển sang châu Mỹ. Sau việc buôn nô lệ, Liverpool  còn là cảng mua bán bông vải khá thịnh vượng một thời. Tôi đã có dịp đến  thăm bảo tàng nô lệ ở Angola được xây dựng ngay trên bến cảng nơi tập trung nô lệ cả châu Phi để xuống tàu đem bán sang châu Âu và châu Mỹ nên có điều kiện để so sánh  những hình ảnh về sự cư xử của người da trắng đối với nô lệ da đen cả đầu đi và đầu đến thì thấy rằng tuy có khác nhau về phương thức hành hạ, tra tấn , giết chóc, nhưng bảo tàng ở đầu đi và bảo tàng ở đầu đến đều mô tả đầy đủ những  hành vi man rợ của chủ đối với người nô lệ. Có thể nói sự hành hạ còn dã man hơn đối với các loài súc vật , bởi các ông chủ cần dùng hình phạt để hòng dập tắt mọi ý chí chống đối của người nô lệ.    
       
Những người da đen vào thăm bảo tàng, họ đã khóc vì thân phận của cha ông họ, nhưng khi bước ra khỏi bảo tàng thì trên gương mặt họ rạng rỡ niềm tự hào vì đường đi đến với thời đại mới của người nô lệ đầy  gian truân nhưng cũng thật nhiều vinh quang. Vượt qua chế độ nô lệ, vượt qua chế độ phân biệt chủng tộc, trong thời đại mới người da đen đã bình đẳng mọi mặt với đời , nhiều giáo sư , tiến sĩ, nhà khoa học có tên tuổi của thế giới là người da đen được trưng bày trang trọng nơi phần cuối của bảo tàng, đặc biệt là những đoạn video clip ngắn nói về những con người nổi tiếng mà cả thế giới ai cũng biết và ngưỡng mộ như : Pele , Micheal Jacson,  Nelson Mandela, Barack Obama v…v… đã làm cho họ ngẩng cao đầu.
     
Những hình ảnh với  tất cả sự thật dã man của việc mua bán nô lệ  của người da trắng một thời bị bưng bít, nhưng  trong xã hội văn minh mọi thông tin đều được cung cấp cho công dân như đó là biểu hiện của văn hoá thời đại . Những ngày này giới truyền thông trên toàn cầu xôn xao về  vụ scandan của News Corp mà trùm truyền thông thế giới Rupert Murdoch  đầy quyền lực phải ra đối chất trước nghị viện Anh  và chính bố con Murdoch cũng đã cúi đầu xin lỗi các nạn nhân của vụ nghe lén điện thoại. Báo chí phương tây được tự do nói tất cả những gì mà luật pháp không cấm, trong đó  việc nghe lén, xâm phạm đời tư của công dân là một việc nghiêm cấm, chẳng những đó là một tội trước pháp luật mà còn là một việc làm vô đạo đức, đáng khinh bỉ và cần phải lên án. Tôi cố gắng quan sát và hỏi những người có quen biết với nhiều người Anh thì được biết là người Anh bước ra đường thường đi rất nhanh, nói rất ít, nổi tiếng là phớt tỉnh Ăng-lê và chính kiến của họ là chính kiến của pháp luật. Đã có nhân vật cao nhất của tập đoàn News Corp xin lỗi và tự thấy hổ thẹn trước công luận, đã có mấy nhân vật quan trọng từ chức, đã tự đóng cửa một tờ báo có bề dày 168 năm và các cơ quan luật pháp đang thực hiện chức trách của mình…  do vậy mà họ chẳng phải túm tụm xôn xao bàn tán, nếu cần tỏ thái độ thì họ được tự do xuống đường biểu tình và tự do biểu tình ngồi để bày tỏ thái độ trước cửa nghị viện.  Tôi đã chụp được những tấm ảnh của những túp lều dựng lên để người biểu tình trú ngụ lâu dài trước cổng nghị viện Anh với rất nhiều khẩu hiệu phản đối, yêu cầu nhiều lĩnh vực. Trong đó tôi chú ý đến một  một cụ già duy nhất ngồi biểu tình suốt ngày dưới nắng, mưa giơ cao tấm áp phích với nội dung đòi “Chấm dứt chế độ độc tài cha truyền con nối, hãy để nước Anh là nước Cộng hoà”. Những cuộc biểu tình như thế diễn ra quanh năm suốt tháng trước cửa nghị viện Anh, trước công chúng Anh và trước hàng triệu khách tham quan khắp thế giới, họ nói: đó là quyền dân chủ của công dân…
 
Đồng hồ Bigben và tòa nhà nghị viện Anh
Đồng hồ Bigben và tòa nhà nghị viện Anh
Bảo tàng nô lệ trên cảng Liverpool
Bảo tàng nô lệ trên cảng Liverpool
Những túp lều của người biểu tình
Những túp lều của người biểu tình
Bên trong cổng tòa nghị viên Anh
Bên trong cổng tòa nghị viên Anh

   
TRỌNG NGUYÊN