27 trí thức trẻ tình nguyện, đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau, về làm việc tại huyện Đam Rông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững.
Những chàng trai, cô gái còn trẻ, mang trên mình những hoài bão lớn, tình nguyện đến với những miền quê nghèo khó, để được cống hiến, được góp sức và kiến thức của mình. 27 trí thức trẻ tình nguyện, đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau, về làm việc tại huyện Đam Rông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tri thức trẻ tình nguyện xây dựng và phát triển quê hương. Ảnh: Ngọc Minh |
Trên cả nước, Đam Rông được xếp vào danh sách một trong 64 huyện nghèo. Chính vì vậy, ở các xã như Đạ Tông, ĐarSal, Rô Men… khi bóng dáng của các bạn tình nguyện xuất hiện, mới đầu người dân và chính quyền địa phương cũng không khỏi “e dè”. Bởi họ còn nghèo. Và họ đang cần những cái thực tế hơn là các bạn. Bạn Hương tâm sự: “Em được về công tác ở xã Rô Men từ cuối năm 2009. Khi mới đặt chân đến đây cứ ngỡ khó vượt qua. Nhiều và nhiều những thứ với bọn em là xa lạ. Ở trường học là vậy, nhưng bước chân vào thực tế của công việc, của cuộc sống bên ngoài đã làm thay đổi mọi “mơ tưởng” của chúng em. Mới đó mà đã gần hai năm công tác. Dẫu biết rằng, trước mắt chúng em đang còn lắm thách thức, nhưng được cống hiến ở một môi trường khó khăn, gian khổ, đó là thời gian cho chúng em đúc rút kinh nghiệm để trưởng thành…”
Thật vậy, trí thức trẻ về vùng sâu, vùng xa không chỉ để "đổi mới tư duy", "phổ biến kiến thức", cùng cán bộ và người dân sở tại thực hiện công cuộc xây dựng nông nghiệp, nông thôn... Bên cạnh đó, họ phải thật sự là người trong cuộc. Và điều đó không như ước mơ từ khung trời đại học. Làm cán bộ cơ sở các bạn không chỉ thạo các công việc liên quan tới chế độ chính sách, phát triển kinh tế, mà còn phải am tường văn hóa, xã hội để hoàn thành chức trách công việc. Theo ông Đỗ Hoàng Nhân - Phó chủ tịch xã ĐarSal: “Ở vùng đồng bằng đã khó, khi các bạn đến với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc còn khó hơn nhiều. Để cho dân tin, dân phục, dân làm theo…, không chỉ thể hiện hết khả năng, các bạn phải chứng tỏ được mình bằng những công việc cụ thể, thông qua kiến thức của mình. Bởi lẽ, ở môi trường làm việc của các bạn có rất nhiều những cán bộ địa phương dẫu sao cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế, và theo sát việc làm của các bạn…”
Tuy mới triển khai, với nhiệm vụ mới, con người mới, nhưng đề án đưa Trí thức trẻ tình nguyện về công tác ở Đam Rông đang từng bước ổn định. Các bạn cũng đã làm quen với công việc trên vị trí của mình. Dù chưa thật sự xuất sắc, nhưng trong thời gian qua, chính các bạn đã có nhiều đóng góp quan trọng, chung tay vào sự phát triển đổi mới của địa phương, đặc biệt là người dân đã có niềm tin ở các bạn với những sáng kiến trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, truyền đạt cho người dân những cách làm mới, xóa bỏ các phong tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt…
Theo đánh giá của phòng Nội vụ huyện Đam Rông, hầu hết những trí thức tình nguyện được nhận về đây công tác, giờ đã cơ bản đảm nhận được những vị trí được giao phó; nhiều bạn đã chứng tỏ, thể hiện được chuyên môn nhạy bén, đặc biệt các bạn đã hòa nhập khá nhanh cuộc sống với người dân địa phương.
Tin rằng, với tư duy, nhận thức và kiến thức tích lũy có sẵn, ở phía trước, các bạn sẽ tiếp tục có nhiều cống hiến và có nhiều đóng góp quan trọng trong công việc mới, cuộc sống mới, chung tay cùng Đam Rông thoát nghèo. Đây chính là bản lề bước tiếp cho địa phương tiếp tục triển khai chương trình đưa trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu Đam Rông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thời gian tới phát huy hiệu quả và đạt chất lượng cao.
THÀNH NGHỆ