Ba mươi năm nay từng “ăn trong gió, nói trong sóng” trên vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của đất nước nên “linh hồn” anh đã thuộc nơi ấy. Dẫu ngoài kia ngàn nỗi gian nguy, anh vẫn chọn con đường ra khơi mưu sinh.
Ông Mai Phụng Lưu |
Trong lần hiếm hoi ra đảo Lý Sơn vào đầu tháng Bảy này, điều tôi tâm niệm phải gặp cho được “sói biển” Mai Phụng Lưu với một lý do đơn giản, khi nghe kể về anh, tôi thực sự ngưỡng mộ. Một ngư dân bình dị nhưng đầy lòng quả cảm, vượt lên bao trắc trở, kiên trì bám ngư trường truyền thống của cha ông cũng là để khẳng định chủ quyền của đất nước trên vùng biển Hoàng Sa. Ngồi trước hiên nhà anh ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, cùng nhâm nhi ly rượu ngâm hải sâm với đĩa rong biển. Trong hơi rượu đậm đà vị đại dương, chen lẫn câu chuyện anh kể về những chuyến hải hành ra khơi là vị mặn chát của cuộc đời ngư phủ Mai Phụng Lưu, hơn 40 nhưng già trước tuổi. Anh bảo rằng: Đối với người nông dân đi cầy cần đất, còn ngư dân đánh bắt phải có ngư trường. “Từ thuở cha ông bao đời đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa nên đấy chính là “đất đai” tiền nhân để lại. Hết đời ông đến đời cha anh, tôi đánh cá ở đấy và tôi tiếp tục đánh cá ở đấy, bởi Hoàng Sa là của chúng tôi, cũng là chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam”, anh Lưu khẳng định. Cái lý do đơn giản là thế, ngư trường ông bà để lại là của để dành cho con cháu duy trì cuộc sống bằng cái nghề truyền thống đánh bắt cá tôm, hải sản trên miền biển quê hương. Anh Lưu kể, anh ra khơi khi mới 14-15 tuổi và kể từ đó đã gắn bó với ngư trường Hoàng Sa. Với hơn 30 năm bám biển, anh thuộc lòng tính khí của biển nơi này, kể cả những vùng cá tôm cư trú quanh quần đảo Hoàng Sa. Kinh nghiệm ông bà để lại, cùng sự hiểu biết của một ngư dân giỏi nghề, rành rõi từng con sóng, luồng cá đi đã giúp anh và ngư dân Lý Sơn không ít lần ra khơi trở về trên những con tàu đầy hải sản. Nhờ vậy mới có ngôi nhà khang trang, đầu tư tàu cá lớn hơn để cùng người dân Lý Sơn tiếp nối những chuyến hải hành dài ngày ra bám biển. Thế nhưng sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, cầm tù, tịch thu ngư cụ, đòi tiền chuộc mỗi lần hơn 200 triệu đồng, gia đình anh coi như rơi vào tình cảnh khánh kiệt. “Họ không giết mình bằng súng đạn mà giết bằng cách cắt nước ngọt, rút hết dầu và phá hỏng máy để mình phải chống chọi với sóng nước, trôi dạt trên biển. Nhưng may phước ông bà phù hộ, cùng với sự giúp đỡ của ngư dân khác cũng như tỉnh mà sống sót trở về. Và sau những lần như thế, gia đình mình lại đi vay mượn, cầm sổ nhà đất để tiếp tục ra khơi cho đến khi chủ nợ siết tàu” – anh Lưu cho hay.
Vợ anh, chị Phạm Thị Đợi (ở nhà tên Lan) gắn bó với anh như một định mệnh, suốt bao năm qua từng có ngàn ngày đêm mong ngóng đợi chồng những lần anh ra Hoàng Sa như cái tên cha mẹ đặt cho bảo rằng: Vừa nợ nần, không còn tàu ra khơi, ngồi nhà biết lấy gì ăn ngoài hai sào tỏi một mình tôi cũng có thể quán xuyến. Cùng với nỗi nhớ biển cồn cào trong dạ nên bốn cha con anh phải lặn lội đi làm tài công thuê cho chủ tàu cá nơi khác kiếm tiền trả nợ, tích góp sắm tàu mới. Nhiều lần bị bắt phải nộp tiền phạt, nợ nần thúc ép “gõ cửa” khiến người thân, bạn bè khuyên anh nên chọn ngư trường khác đánh bắt, đừng ra quần đảo Hoàng Sa nữa, nhưng anh không nghe. Anh Lưu bộc bạch: Vẫn biết đánh bắt ở Hoàng Sa sẽ gặp nhiều rủi ro nhưng đó là ngư trường truyền thống nuôi sống người dân trên đảo bao đời nay nên không thể từ bỏ. Mỗi khi nghĩ đến cá tôm bơi lội ở sâu dưới vỉa san hô là thấy nhớ rồi, bởi Hoàng Sa đã ở trong lòng, trong dòng máu anh tự bao lâu nay. Nếu gia đình tôi có thể vay tiền mua tàu để tiếp tục đánh bắt, đến đời con anh cũng vậy và Hoàng Sa vẫn sẽ là ngư trường mà gia đình anh cùng ngư dân Lý Sơn lựa chọn. Chưa kể phải đối mặt với bão giông, tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt giữ anh không ngán sao? Anh nói chắc lụi: “Nếu sợ tôi đã không đi nữa dù bốn lần bị bắt khiến họ đã quen mặt, nhớ tiếng”. Anh còn cho biết thêm “Với chương trình tiếp sức ngư dân bám biển cùng với việc ngân hàng Đông Á cho vay, anh sẽ sớm sắm tàu vài trăm CV để tiếp tục đi biển vì chỉ còn một tháng nữa trước khi biển động nên phải tranh thủ ra Hoàng Sa đánh bắt.