Từ LIVERPOOL nghĩ về ĐÀ LẠT

03:07, 27/07/2011

Thành phố Liverpool yên ả, nhẹ nhàng và dễ chịu như Đà Lạt, mùa hè năm nay nhiệt độ ngoài trời thường ở khoảng dưới 15 độ C, thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ, đồ sộ, và rất đẹp.

[links(right)] Từ Liverpool (Vương quốc Anh), chúng tôi đi ngược lên phía bắc cũng bằng tàu điện mất 3 tiếng rưỡi đồng hồ để đến Scotland, một đất nước nổi tiếng với rượu whisky. Rượu whisky thì chúng tôi chưa được dịp uống ở đây vì giá cũng khá đắt, có lẽ  họ sản xuất để xuất khẩu hơn là để bán cho dân nội địa.

Scotland khá lạ lẫm với chúng ta bởi truyền thống đàn ông mặc váy. Rất may mắn là lần đầu tiên đến Edinburgh Thủ đô Scotland tôi được chứng kiến ngay một đám cưới mà cô dâu thì mặc áo cưới còn chàng rể thì mặc váy ngắn trên đầu gối. Họ rất tự nhiên, sôi nổi, đằm thắm và vô cùng hạnh phúc, còn chúng tôi tò mò quan sát và vô cùng thích thú!  Một biểu tượng có lẽ là điển hình của xứ sở Scotland là anh chàng mặc váy, thổi kèn biểu tượng này được họ đúc tượng đặt ở những nơi khách du lịch đến tham quan còn vào những ngày nghỉ, ngày lễ thì người thật mặc váy, biểu diễn các loại kèn truyền thống trên  đường phố phục vụ mọi người. Ai muốn nghe bài gì thì có thể yêu cầu hoặc muốn chụp hình chung để lưu niệm cũng sẵn sàng, ai cho tiền bao nhiêu cũng được hoặc không cho cũng không sao.
 
Căn nhà của một hộ người Anh
Căn nhà của một hộ người Anh

Tất cả các thành phố chúng tôi qua, từ London, Liverpool đến Edinburgh đều có những công trình đồ sộ. Đó là những tòa nhà công cộng như tòa nhà Quốc hội, điện Buckingham, tòa hành chính, các lâu đài cổ, các pháo đài xưa, các viện bảo tàng lịch sử, bảo tàng nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nặn tượng… Và một ít những tòa nhà của các lãnh chúa, các vương quyền xưa, hay một vài khu nhà rộng lớn của các nhà đại tư bản còn thì hầu hết nhà ở của người Anh nói riêng hay người châu Âu nói chung đều rất nhỏ, rất tiết kiệm diện tích cũng như tiết kiệm năng lượng. Điều này trái ngược với quan điểm của người Việt Nam là phải nhà cao, cửa rộng, trước hết có lẽ do điều kiện khí hậu khác nhau hình thành nên cách ăn ở khác nhau.

Nước ta khí hậu nóng nên cần làm nhà cao, làm cửa  rộng để thoáng đãng và đón gió, tạo không khí mát mẻ trong nhà. Ở phương Tây khí hậu lạnh nên xây nhà nhỏ, kín để giữ ấm và tiết kiệm năng lượng khi sưởi. Hơn nữa ngày nay hộ gia đình người Việt vẫn lớn với mô hình tam đại đồng đường thậm chí có trường hợp tứ đại đồng đường, lý do nữa là người nông nghiệp xưa cần nhiều nhân lực cho lao động sản xuất, dần hình thành quan niệm con cái là của trời cho nên có truyền thống đẻ nhiều (việc sinh đẻ có kế hoạch chỉ là mới gần đây thôi nhưng cũng chưa thể trở thành văn hóa trong cuộc sống người Việt được); trong lúc đó đơn vị gia đình phương Tây thường chỉ một cặp vợ chồng với từ 1 đến 2 con và hiện nay đang có xu hướng dần phổ biến với mô hình hộ gia đình chỉ có bố với một con hoặc chỉ có mẹ với một con mà thôi.

Việc xây cất nhà để ở phù hợp với điều kiện thiên nhiên, xã hội của mỗi dân tộc dần dần trở thành văn hóa của quốc gia đó. Người Việt làm nhà ở, ngoài việc đáp ứng nhu cầu vật chất còn là nhu cầu tinh thần, nhà cao cửa rộng thể hiện quyền uy  hay sự giàu có, hay ít ra cũng nở mặt, nở mũi với xóm giềng….Còn phương Tây với tư duy khoa học, thực dụng hơn với sự tính toán chặc chẽ hợp lý không thừa không thiếu, cái quan trọng đối với họ là tiện nghi cho cuộc sống, chiếc ô tô đậu trước sân nhà đã che khuất gần nửa căn nhà của họ rồi. Chúng tôi nói đùa với nhau: “Người Việt mình nhỏ con mà nhà thì to cao còn người phương Tây thì to cao mà nhà lại nhỏ xíu”
     
Là một nước công nghiệp đầu tiên của thế giới, có thể nói nước Anh là cái nôi công nghiệp của thế giới. Là một trong 7 nước công nghiệp hàng đầu nhưng đến nay Vương quốc Anh vẫn chưa có đường tàu cao tốc chạy trên đệm từ trường. Anh Long quê ở Nha Trang một nghiên cứu sinh đang hoàn thành luận án tiến sĩ ở Anh nói với chúng tôi rằng nước Anh đã có một hệ thống đường tàu điện tốc độ 200km/giờ đan khắp cả đất nước đang hoạt động rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua, nhưng họ đã  dự báo 20 năm sau hệ thống này sẽ xuống cấp, quá tải và lạc hậu, nên hôm nay họ đã xây dựng hai phương án: một là làm đường tàu cao tốc chạy trên đệm từ trường; hai là phục hồi, nâng cấp, làm mới hệ thống tàu điện như hiện nay. Cả hai phương án đều phải đưa ra công khai cho dân xem xét và cuối cùng Chính phủ sẽ trưng cầu ý dân để thực hiện, những vấn đề lớn của đất nước là do dân quyết định chứ không phải Chính phủ quyết định thay cho dân. Cả 2 đồ án đó đã được công bố và  trường đại học nơi anh đang học tập cũng đã được những người làm đồ án đó vào thuyết trình để sau này bỏ phiếu lựa chọn. Kể cả một số dự án cũng không lớn lắm nhưng lại có liên quan nhiều đến đời sống của người dân như thu nhập hay vấn đề môi trường, cảnh quan trong khu vực dân cư….nếu dân có ý kiến thì cũng được đưa ra trưng cầu ý dân. Đó là trường hợp của trường đại học Jhon More Liverpool có một khoảng đất vài ha đang lập dự án xây dựng khu ký túc xá cho sinh viên nhưng người dân khu vực đó cho rằng cảnh quan sẽ bị phá vỡ, môi trường sống sẽ bị xuống cấp và mật độ dân cư sẽ thêm dày đặc, giao thông sẽ bất cập nên cuối cùng họ bỏ phiếu không tán thành và dự án phải chuyển đổi thành công viên của trường.

Ngồi trong cabin tàu anh Long chỉ cho chúng tôi thấy dọc đường tàu thỉnh thoảng có các bãi đậu xe. Đó là những nơi dành cho những người dân muốn đi vaò thành phố chỉ lái xe đến đó rồi vào các thành phố lớn nhằm tránh tạo ra ùn tắc, kẹt xe. Ở các điểm đỗ xe, phương tiện công cộng đã đáp ứng đầy đủ và tiện lợi cho việc đi lại. Những ngày thứ 7, chủ nhật trên những đường phố đi bộ người ta có thể làm đủ các trò vui tự phát: đàn hát, chơi nhạc, biểu diễn xiếc, làm tượng sống để chụp hình với khách, pano người, vẽ tranh, vẽ chân dung…. Ai có khả năng nào thì cứ đem ra biểu diễn đều được mọi người khuyến khích và  ủng hộ bằng những đồng tiền xu, họ nhận và không quên lời cám ơn.
      
Thành phố Liverpool yên ả, nhẹ nhàng và dễ chịu như Đà Lạt, mùa hè năm nay nhiệt độ ngoài trời thường ở khoảng dưới 15 độ C, thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ, đồ sộ, và rất đẹp. Đi, chiêm ngưỡng và thẩm nhận những giá trị văn hóa xứ người để rồi có một chút so sánh, cuối cùng thì vẫn nhận ra rằng tuy chưa giàu, tuy không to lớn, hoành tráng như các thành phố phát triển của phương Tây, nhưng may mắn là  thành phố Đà Lạt của chúng ta  vẫn còn đẹp, còn duyên dáng và còn đáng yêu, hy vọng  sẽ không mất đi mà sẽ còn đẹp hơn trong quá trình phát triển để mong sánh kịp với xứ người.
 

                                             
TRỌNG NGUYÊN