Bảo Lộc còn nợ bảo hiểm?

01:08, 07/08/2011

Trong các món nợ, nợ bảo hiểm (BH): Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên quan đến nhiều người, mà đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là những người lao động ăn lương.

Trong các món nợ, nợ bảo hiểm (BH): Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên quan đến nhiều người, mà đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là những người lao động ăn lương. Không riêng gì tại thành phố Bảo Lộc, mà nhiều địa phương còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nợ BH.
    
Thành phố Bảo Lộc hiện có 579 doanh nghiệp (DN) có từ 5 lao động trở lên; trong đó, có 18 DN Nhà nước, 347 công ty TNHH, 49 công ty cổ phần, 124 doanh nghiệp tư nhân, 3 công ty hợp doanh, 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 21 HTX. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố có 316 đơn vị (kể cả các DN và các đơn vị hành chính, sự nghiệp) với 8.121 lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN tại cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Bảo Lộc. Trong số đó, 172 đơn vị, với 6.981 lao động tham gia cả 3 loại BH, nhưng chỉ có 172 đơn vị đã đóng đủ BHXH, BHYT và BHTN theo quy định.
          
Theo BHXH thành phố Bảo Lộc: Tính đến tháng 7/ 2011, trong số những đơn vị tham gia BH, hiện còn có 148 đơn vị còn nợ trên 5,3 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT và BHTN. Trong đó, 7 đơn vị có món nợ lớn, thời gian kéo dài, với tổng số tiền nợ (của 7 đơn vị) hơn 3 tỷ đồng. Đáng lưu ý là Công ty sản xuất - kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Nam Phương nợ kéo dài 31 tháng, với số tiền nợ đã lên tới gần 1,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Bá Thiên nợ kéo dài 34 tháng, với số tiền nợ trên 564 triệu đồng. Công ty sản xuất lụa tơ tằm Bảo Lộc (VIKOTEX) nợ 773 triệu đồng…
          
Nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng nói trên? Theo giám đốc và chủ cơ sở một số DN và cơ sở sản xuất - kinh doanh cho rằng, do tình trạng sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí còn bị thua lỗ. Điều này thực tế đã xảy ra, nhưng không phải là phổ biến. Bởi vì qua việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc thu của BHXH thành phố và qua các đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành về BH cho thấy, nguyên nhân nợ khá phổ biến ở một số đơn vị là do: Sử dụng lao động nhiều, nhưng kê khai đóng BH ít (tham gia đóng BH chỉ “lấy lệ” để né tránh sự kiểm tra); trả “lương” thấp hơn so mức “thu nhập” thực tế của người lao động, vì DN tăng các khoản chi trả khác (ngoài lương) để giảm chi phí đóng BHXH; chưa thực sự nghiêm túc chấp hành Luật BHXH, mặc dù đã trừ tiền BH của người lao động nhưng DN cố tình dây dưa, kéo dài, không nộp cho cơ quan BHXH mà sử dụng vào mục đích khác…
           
Bên cạnh đó, chúng tôi trao đổi với một số cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm với ngành BH, họ cho rằng: Một nguyên nhân (không phải là thứ yếu) hay nói đúng hơn là một “kẽ hở”, khiến đơn vị sử dụng lao động lợi dụng để… “khai thác triệt để” hiệu quả đồng vốn! Đó là vì, nếu nợ tiền BHXH thì lãi suất “phạt” chỉ 8%/1 năm và nợ BHYT cũng chỉ bị “phạt” lãi suất 10,5%/1 năm. Như vậy là quá thấp so với lãi suất vay ngân hàng. Do đó, nó không những không đủ sức “răn đe” hoặc ràng buộc các đơn vị sử dụng lao động nghiêm túc đóng BH đúng thời hạn, mà ngược lại còn tạo “kẽ hở” để một số đơn vị cố tình dây dưa, kéo dài không chịu đóng tiền BH kịp thời!
          
Với thành phố Bảo Lộc, các giải pháp tuyên truyền, vận động, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra và lập biên bản, yêu cầu (những đơn vị nợ BH tồn đọng, kéo dài) làm cam kết đóng BH… triển khai khá tốt. Nhưng thực tế, xu hướng nợ BH tại thành phố Bảo Lộc đã và còn có khả năng gia tăng. Để khắc phục và khống chế dần tình trạng này, thành phố Bảo Lộc đã bắt đầu quan tâm thực hiện những giải pháp “mạnh”. Vào tháng 4/2011, UBND thành phố Bảo Lộc đã ra 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH đối với 2 đơn vị, là Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương và Doanh nghiệp tư nhân Đại Bình. Theo đó, DNTN Đại Bình đã chấp hành nghiêm túc Quyết định và đã tiến hành khắc phục tồn tại, thanh toán nợ cho cơ quan BHXH. Ngược lại, Công ty Nam Phương không những đã quá thời hạn 30 ngày, mà cho đến nay vẫn chưa chấp hành QĐ của UBND thành phố, chưa thanh toán nợ BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH và số nợ BH của DN này đã tăng lên “đầu bảng”  là gần 1,2 tỷ đồng!
           
Luật BHXH, BHYT tuy đã đi vào cuộc sống nhưng thực sự chưa đủ “mạnh” như những luật khác. Đó cũng là do cách làm, cách phối hợp tổ chức thực thi luật pháp. Có lẽ vì vậy, ông Nguyễn Phú Phẩm – Giám đốc BHXH thành phố Bảo Lộc, cho chúng tôi hay rằng: “BHXH thành phố sẽ khởi kiện ra Toà án các đơn vị cố tình nợ BHXH, BHYT, BHNT với số tiền lớn và thời gian kéo dài. Trước mắt và cũng là lần đầu tiên, BHXH thành phố Bảo Lộc đang làm hồ sơ để khởi kiện Công ty Nam Phương nợ tiền BH”.
          
“Thành phố Bảo Lộc đã và đang tập trung sức xây dựng để trở thành một đô thị trung tâm công nghiệp, một thành phố công nghiệp. Do vậy, tất cả đều phải bắt đầu từ lực lượng công nhân…” – Đó là quan điểm của Thành uỷ Bảo Lộc mà ông Lê Hoàng Phụng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc, phát biểu mới đây với đoàn công tác của Tỉnh uỷ khi về thành phố kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 20 – NQ/TW của BCH trung ương Đảng (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước. Thiết nghĩ, để “bắt đầu từ lực lượng công nhân”, trước hết và tất yếu là phải quan tâm đến đời sống của họ, trong đó đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc việc trích nộp các chế độ BH theo luật định.
BÙI TRƯỞNG