Bảo tồn đi đôi với khai thác hợp lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng

01:08, 28/08/2011

Đó là ý nghĩa của đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định hướng phát triển một số loài đặc hữu và có giá trị kinh tế cao” do Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện vừa được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu chính thức vào sáng 24/8/2011.

Đó là ý nghĩa của đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định hướng phát triển một số loài đặc hữu và có giá trị kinh tế cao” do Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện vừa được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu chính thức vào sáng 24/8/2011. Theo kết quả điều tra dược liệu chính thức (1978 – 1980), trước đây, đã ghi nhận được 715 loài thực vật làm thuốc. Sau 1980, số cây thuốc trong tỉnh đã tăng lên 881 loài và có thể trên 1.000 loài. Tuy nhiên, trải qua gần 30 năm khai thác và nhiều tác động khác đã làm cho nguồn cây thuốc không còn nguyên vẹn như trước. Việc điều tra, nghiên cứu đề tài trên nhằm phản ánh đúng thực trạng nguồn tài nguyên cây thuốc trong tỉnh để kịp thời bảo tồn và phát triển những loài đặc hữu và có giá trị kinh tế cao. Đối tượng nghiên cứu về thành phần hóa học của đề tài gồm cây huyết sâm, cây hoàng liên ô rô và cây chân chim không cuống quả. Phần trồng thí nghiệm và phát triển sản xuất các loài chọn lọc gồm chè dây, đảng sâm và chân chim không cuống quả. Trải qua 2 năm nghiên cứu, kết quả tổng số loài cây thuốc thống kê được của 10 huyện, thành trên địa bàn tỉnh ghi nhận được 1.274 loài cây thuốc khác nhau thuộc 216 họ thực vật, trong đó, có 40 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam (2007) và phát hiện 3 loài phân bố mới, thu thập 400 loài, 136 họ thực vật chọn lọc làm mẫu tiêu bản. Phần điều tra bài thuốc tổng kết được 3 bài thuốc gia truyền của đồng bào người Dao, gồm: bài chữa “Rong kinh bổ huyết”, bài chữa “Viêm gan siêu vi B” và bài chữa “Viêm đại tràng”. Đề tài này đã được Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá là đề tài công phu, kéo dài, có ý nghĩa đối với tỉnh Lâm Đồng.

Tuấn Hương