Bước đầu cạnh tranh nghề công chứng

02:08, 18/08/2011

Lâm Đồng hiện có 4 phòng công chứng của nhà nước và 11 văn phòng công chứng của tư nhân cùng hoạt động cạnh tranh, thu hút khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.  

Lâm Đồng hiện có 4 phòng công chứng của nhà nước và 11 văn phòng công chứng của tư nhân cùng hoạt động cạnh tranh, thu hút khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.  

Với 4 phòng công chứng của nhà nước hành nghề tại các địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng và Đạ Tẻh, gồm 11 công chứng viên. Cùng với đó, có  11 văn phòng công chứng của tư nhân hành nghề trên các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, gồm 15 công chứng viên.
 
Phòng Công chứng số 1 Lâm Đồng không ngừng nâng cao chất lượng công chứng
Phòng Công chứng số 1 Lâm Đồng không ngừng nâng cao chất lượng công chứng

Thống kê kết quả 7 tháng đầu năm 2011, với 4 phòng công chứng của nhà nước thực hiện công chứng 9.440 việc, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.530 triệu đồng. Phòng công chứng thực hiện công chứng nhiều nhất là hơn 3 ngàn việc, số tiền nộp ngân sách hơn 715 triệu đồng; phòng công chứng thực hiện thấp nhất hơn 1.450 việc, số tiền nộp ngân sách hơn 103 triệu đồng. Với  11 văn phòng công chứng của tư nhân (trừ 2 văn phòng công chứng ở Đơn Dương và Lâm Hà mới thành lập vào cuối tháng 7/2011), thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2011 gần 22,3 ngàn việc; nộp ngân sách nhà nước gần 440 triệu đồng, gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Văn phòng có số tiền nộp ngân sách nhiều nhất khoảng 90 triệu đồng; văn phòng nộp ngân sách ít nhất khoảng 25 triệu đồng.  

Đánh giá bước đầu từ Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết: Để đạt số việc công chứng và số thu nộp ngân sách nêu trên, từng phòng công chứng và văn phòng công chứng đã không ngừng phát huy năng lực cạnh tranh của mình. Đó là việc cạnh tranh nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng công chứng viên và nhân viên công chứng, thực hiện từng việc công chứng tận tình, chu đáo; nhanh gọn, chính xác và an toàn đúng luật. Nhiều phòng và văn phòng công chứng đã dành thời gian giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự; bảo đảm khi công chứng một giao dịch không trái pháp luật và trái với đạo đức xã hội, làm chứng cứ vững chắc khi giải quyết những tranh chấp liên quan. Và dứt khoát từ chối công chứng những việc khi chưa đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.

Về hình thức cạnh tranh phục vụ khách hàng, thể hiện ở việc xây dựng khu vực công chứng khang trang, thuận lợi cho người đến công chứng. Như chọn những vị trí dễ nhìn, dễ đọc những bản niêm yết công khai về nội quy tiếp khách hàng công chứng, thời gian công chứng trong ngày; niêm yết công khai những văn bản hồ sơ phải nộp, phải xuất trình trước khi công chứng, công khai mức phí, lệ phí phải nộp theo quy định. Ngoài ra, các phòng và văn phòng công chứng đã cạnh tranh bằng việc đầu tư về thiết bị vi tính hiện đại, sử dụng các phần mềm vi tính soạn thảo hợp đồng và lưu trữ các dữ liệu chuẩn xác, lâu dài. Chưa kể việc cạnh tranh khi tiếp nhận, ký kết hợp đồng lao động những công chứng viên, nhân viên công chứng làm việc có trách nhiệm, hiệu quả cao, được đảm bảo các chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, cũng theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, trong quá trình cạnh tranh phát triển đã bộc lộ nhiều lỗi mắc phải trong không ít sản phẩm công chứng, rất may đều đã được phát hiện sửa chữa, khắc phục kịp thời. Như lỗi kỹ thuật trong phần lời chứng là chữ ký của công chứng này nhưng lại đóng dấu tên của công chứng khác. Hoặc khi sửa lỗi trong văn bản công chứng, công chứng viên không ký sửa lỗi, trên đó không đóng dấu của văn phòng công chứng. Về phần lỗi nghiệp vụ, đã phát hiện và khắc phục các lỗi như: một bên giao dịch chỉ ký vào dưới lời chứng của công chứng viên mà không ký vào từng trang của hợp đồng; trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản, không lưu bản sao hộ khẩu của bên chuyển nhượng, không có đủ chữ ký của vợ hoặc chồng trong sở hữu chung; trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhưng không thể hiện đầy đủ chữ ký của các thành viên trong hộ gia đình; trong hợp đồng giao dịch lại không đánh số trang, số tờ; việc niêm yết phân chia di sản thừa kế không đủ thời gian 01 tháng theo quy định trước khi công chứng…

Để không còn những lỗi mắc phải vừa nêu, thực sự tạo an toàn pháp lý đối với khách hàng công chứng, từng phòng và văn phòng công chứng ở Lâm Đồng đã và phải tiếp tục thiết lập mạng thông tin báo cáo cập nhật dữ liệu với cơ quan chủ quản nhà nước, chịu sự kiểm tra, giám sát giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau, đồng thời chịu sự thanh tra, kiểm tra toàn diện của thanh tra ngành tư pháp Lâm Đồng. Cụ thể như lời chỉ đạo của ông Vũ Văn Sê, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng: “Không kể thanh tra theo đơn khiếu nại, tố cáo; ít nhất một năm một lần, mỗi đơn vị công chứng phải chấp hành sự thanh tra, kiểm tra toàn diện của Thanh tra Sở Tư pháp Lâm Đồng. Nếu một đơn vị công chứng vi phạm 2 lần trong năm, thì buộc phải rút giấy phép hành nghề… ”.

VĂN VIỆT