Buồn, vui trên đại công trường bauxite Tân Rai

03:08, 25/08/2011

Nay, sắp đến giờ phút đại công trình Nhà máy tuyển rửa bauxite và sản xuất alumin đi vào hoạt động (dự kiến tháng 10 tới), phóng viên Báo Lâm Đồng đã trở lại đây để "thở" cùng bauxite Tân Rai  -  nơi “đầu sóng" của ngành công nghiệp mới mang tầm cỡ quốc gia…

Vùng Tân Rai hơn 4 năm nay đã sôi động “không khí  bauxite". Nơi đây, một thời niềm vui đã chồng lên sự lo lắng về nhiều mặt. Nay, sắp đến giờ phút đại công trình Nhà máy tuyển rửa bauxite và sản xuất alumin đi vào hoạt động (dự kiến tháng 10 tới), phóng viên Báo Lâm Đồng đã trở lại đây để "thở" cùng bauxite Tân Rai  -  nơi “đầu sóng" của ngành công nghiệp mới mang tầm cỡ quốc gia…
 
Những kỹ sư trẻ người Việt Nam đang tập sự để chuẩn bị tiếp quản Nhà máy
Những kỹ sư trẻ người Việt Nam đang tập sự để chuẩn bị tiếp quản Nhà máy

VẮNG DẦN NGƯỜI LAO ĐỘNG?

Một ngày giữa tháng 8, tôi theo chân anh tổ trưởng tổ bảo vệ vào công trường bauxite Tân Rai (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm). Do trời mưa nên công nhân làm việc trên công trường không nhiều. Rải rác ở những khu vực nhà máy đã xây dựng đồ sộ là một số công nhân người Việt Nam đang làm những công việc lặt vặt như dọn vật liệu, sơn phết… Dạo một vòng quanh công trường rộng lớn, nhiều công nhân Trung Quốc đang cùng công nhân Việt Nam khuân vác các khối bê tông lớn chất lên xe máy cày. Số khác là kỹ sư Trung Quốc, đang hướng dẫn (qua thông dịch viên) cho lao động làm việc.

Theo lời anh tổ trưởng tổ bảo vệ, hiện các nhà thầu “con” làm cho Chalieco còn rất ít công nhân Trung Quốc làm việc tại đây. Đa phần đã chuyển sang công trình bauxite Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) hoặc đi Camphuchia. Sắp tới, khu nhà này cũng sẽ tháo dỡ để trả lại mặt bằng cho nhà máy.

Theo ông Phan Bội Lợi - Giám đốc Ban Quản lý Dự án tổ hợp Bauxite nhôm Lâm Đồng, hiện tại, lao động người Trung Quốc làm việc theo gói thầu EPC xây dựng Nhà máy Alumin có 556 người (513 nam và 43 nữ). Trong đó, cán bộ quản lý, kỹ sư là 212 người, công nhân kỹ thuật là 334 người. Tất cả lao động làm việc trên, dưới 3 tháng đều có giấy phép lao động và thực hiện đầy đủ đăng ký tạm trú, cấp thẻ ra vào công trường.
Ở nhiều khu vực trên công trường, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những kỹ sư trẻ người Việt Nam đang tập sự để tiếp quản công trình hoàn toàn mới mẻ này trong thời gian tới. Ngay khu vực xây dựng hồ chứa bùn đỏ nằm sát Nhà máy Alumin, hình ảnh công nhân làm việc thưa thớt, dù hạng mục này còn nhiều dở dang và đây là hạng mục then chốt để đưa Nhà máy sản xuất Alumina đi vào hoạt động. Một thông tin được Ban Quản lý dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng đưa ra là toàn bộ công trình xây dựng hồ chứa bùn đỏ (một hạng mục được người dân cả nước đặc biệt quan tâm về chất lượng và độ an toàn) đều do lao động Việt Nam làm việc, với 3 nhà thầu Việt Nam đảm nhận thi công là: Xí nghiệp khai thác khoáng sản Tây Nguyên (Tổng Công ty Đông Bắc), Công ty cổ phần xây lắp môi trường Nhân Cơ và Xí nghiệp mỏ tuyển (Công ty Nhôm Lâm Đồng). Trong khi đó, một số công nhân đã qua đào tạo đang đợi chờ làm việc tại Nhà máy Alumina, cho hay: Hiện mỗi ngày họ chỉ làm việc theo ca và tiền lương vì thế cũng chỉ cầm chừng, chủ yếu là để “giữ chân”. Anh P. Đ. K (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) - một công nhân kiểm tra thiết bị, nói: “Làm theo ca nên công nhân làm việc không quá 15 ngày/tháng. Lương cũng chưa có, chủ yếu là tiền hỗ trợ nhưng việc chi trả hàng tháng rất chậm. Bản thân tôi là công nhân được đào tạo từ khóa đầu tiên vào năm 2008, nhưng nay công việc vẫn chưa đâu vào đâu!”.

Ông Đinh Tuấn Việt - Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng, cho biết: Riêng thị trấn Lộc Thắng có khoảng 200 người đã học xong và đang đợi chờ nhà máy đi vào hoạt động để đi làm. Nhu cầu làm việc tại nhà máy của con em ở địa phương là rất lớn, nhưng được vào làm đòi hỏi phải có trình độ, nên cũng rất khó khăn.
     
DỊCH VỤ "ĂN THEO” BAUXITE TẠM… “NGỦ”!                    
          
Công nhân Trung Quốc chỉ còn số ít, công nhân Việt Nam làm việc theo ca (không làm cả ngày như trước đây) nên số hàng quán phục vụ vì thế cũng rất đìu hiu. Ngay Ngã ba Cát Quế (trước công trường bauxite Tân Rai), nếu trước đây quán ăn, quán cà phê, bàn bi da… mọc lên như nấm, thì nay cũng dần lụi tàn. Có ít nhất 5 quán cà phê trước công trường, với chi chít chữ Trung Quốc trên bảng hiệu, đã đóng cửa. Những quán còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là bán cho người dân địa phương.

Anh Khoa - chủ quán cà phê Điểm Hẹn, than: Hai tháng gần đây, cả người Việt và người Trung Quốc đều rất vắng nên bán ế ẩm, không đủ tiền thuê nhà!”. Tại căn nhà anh Khoa thuê, từng có một người Việt gốc Hoa thuê để bán thức ăn Trung Quốc, nhưng do ế quá nên không “trụ” được.
         
Đối diện cà phê Điểm Hẹn, khu phòng trọ do người Trung Quốc thuê, nay cũng chỉ còn vài phòng có người ở, chủ yếu là kỹ sư và cán bộ kỹ thuật người Trung Quốc. Dọc ngã ba Cát Quế ra đến trung tâm thị trấn Lộc Thắng, hàng loạt phòng trọ treo bảng “còn phòng” và hàng loạt căn nhà cho thuê cũng thế. Trước đây, nhiều người Trung Quốc thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng đã khiến cho giá nhà tại khu vực này tăng đột biến. Ngay cả các dịch vụ cà phê, karaoke “mát mẻ” nay cũng ngưng hoạt động vì không có khách. “Người địa phương chẳng ai vào đó, chủ yếu là công nhân Trung Quốc vào. Nay họ đi gần hết rồi thì lấy gì sống mà không dẹp tiệm!” – một người dân địa phương cho hay.

TÌNH BUỒN “HẬU TRUNG QUỐC”!

Sự vắng vẻ, đìu hiu đã tạm hiện ra. Trong cộng đồng dân cư vùng Tân Rai vẫn còn râm ran những câu chuyện tình giữa công nhân Trung Quốc và phụ nữ Việt Nam. Người dân trong vùng kể về những cô gái từng cặp bồ với lao động là người Trung Quốc nay đi không được, ở cũng chẳng xong nên không dám bước ra đường. Bởi vì trước đó, gia đình và xóm giềng can ngăn nhưng vẫn lao vào cuộc tình tạm bợ. Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng Đinh Tuấn Việt, thống kê: "Từ khi công trình bauxite khởi công đến nay, thị trấn đã có 8 phụ nữ có quan hệ tình cảm với công nhân Trung Quốc; trong đó, có 1 cặp đã tổ chức đám cưới nhưng không đầy đủ thủ tục pháp lý!". Ông Việt khẳng định, đa phần những cô gái trao tình gửi phận cho công nhân Trung Quốc đều không có hộ khẩu thường trú tại địa phương mà từ các tỉnh khác đến đây để buôn bán.
       
Thời gian gần đây, khi mà lao động Trung Quốc đã chuyển đi nhiều, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, mà đặc biệt là tại khu vực dự án bauxite ổn định, không có vấn đề phức tạp xảy ra như trước. Công nhân Trung Quốc hiện còn chỉ ở tập trung trong công trường. Các nhà thầu quản lý công nhân chặt chẽ và bên ngoài có Công an nên hạn chế những yếu tố phức tạp – ông Việt cho biết thêm.
          
Trải rộng trên diện tích 107 ha, mọi hạng mục, nhà xưởng của khu vực Nhà máy sản xuất Alumin ở Tân Rai đã gần như hoàn thiện. Mặc dù chỉ có vài trăm công nhân và kỹ sư ở lại để hoàn tất nốt những phần việc cuối cùng, nhưng từ ngoài nhìn vào chỉ thấy sự vắng vẻ từ những khối sắt thép khổng lồ cao vút trời xanh.

Đông Anh