Cát Tiên sẵn sàng phòng, chống lụt bão

02:08, 04/08/2011

Để chủ động phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại khi có lũ lụt xảy ra, đến thời điểm này, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) của huyện và các xã, thị trấn đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.

Trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 8 kéo dài đến tháng 10 hàng năm, người dân Cát Tiên luôn thấp thỏm, âu lo không biết lũ lụt sẽ tràn về lúc nào. Để chủ động phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại khi có lũ lụt xảy ra, đến thời điểm này, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) của huyện và các xã, thị trấn đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.
     
Ông Đào Duy Mai – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên, Phó Ban PCLB huyện, cho biết: “Mặc dù có những năm trên địa bàn huyện Cát Tiên không xảy ra lũ lụt, song qua theo dõi diễn biến thời thiết, chúng tôi nhận định mùa mưa bão năm 2011 là rất phức tạp và hết sức khó lường. Do đó, từ đầu tháng 6, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện phê duyệt và ra quyết định triển khai phương án PCLB, giảm nhẹ thiên tai. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng”.
         
Để có phương án sát đúng, phù hợp với đặc thù của địa phương, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã phân lũ lụt Cát Tiên gồm 4 loại: Lũ thượng nguồn; lũ nội đồng; lũ thượng nguồn kết hợp lũ nội đồng; lũ thượng nguồn kết hợp xả lũ các thủy điện và lũ nội đồng. Trong đó, loại thứ 4 có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Đồng thời, Cát Tiên xác định trọng điểm trong phòng chống thiên tai, bão lũ, các vùng thường xuyên xảy ra lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng các phương án đảm bảo thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và tự quản tại chỗ).
           
Ngay từ đầu mùa mưa, Ban Chỉ huy PCLB huyện và xã đã thường xuyên cảnh báo cho nhân dân các địa phương chủ động kiểm tra, sửa chữa, giằng chống nhà cửa, các công trình, tỉa thưa cây xanh… Theo phương án, trong trường hợp có lốc xoáy xảy ra, gây thiệt hại thì Ban chỉ huy PCLB ở địa phương sẽ lập tức huy động lực lượng khắc phục thiên tai để sớm ổn định đời sống cho nhân dân. Đối với công tác phòng chống lũ quét và sạt lở đất, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm, có dân sinh sống ở ven đồi, triền núi, ven sông, ven suối thuộc các xã Tiên Hoàng, Nam Ninh, Gia Viễn, Tư Nghĩa, Phước Cát 2. Qua đó, huyện tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng tránh, không xây dựng nhà cửa, công trình ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất; tiến hành xây dựng các biển báo, đặt kẻng báo động… Khi lũ quét xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB cùng với địa phương và các ngành tổ chức di dời các hộ dân, tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.
          
Về mức độ lũ lụt ở Cát Tiên, Ban Chỉ huy PCLB huyện cũng phân thành 4 mức, từ mức báo động 1 (cao trình mực nước sông Đồng Nai đo tại trạm bơm Phù Mỹ dao động từ 134 đến 134,5m) đến mức báo động đặc biệt lớn (mức nước xấp xỉ ở cao trình 136m trở lên). Từ đó, huyện đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp. Về phương tiện, lực lượng phục vụ cho công tác PCLB, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan như Trung tâm Y tế, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Công thương, Bưu chính viễn thông, lực lượng quân đội, công an và các xã, thị trấn… chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo đủ cơ số thuốc men, dụng cụ y tế, hóa chất (xử lý nguồn nước), gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết, các vật dụng nhà bạt, bạt che mưa, áo phao, phao cứu sinh; đồng thời, thống kê số lượng và vận động các chủ phương tiện xe tải, xe khách, xe xúc, xe cẩu, máy ủi… trên địa bàn huyện làm cam kết sẵn sàng kịp thời tham gia ứng phó khi có yêu cầu.
        
Song song đó, các ngành, các địa phương kiểm tra, sửa chữa và vận hành thử các phương tiện hiện có, như ca nô, xuồng máy, xuồng chèo tay. Các công trình hồ đập và hạ tầng giao thông cũng được đầu tư, gia cố. Toàn huyện Cát Tiên hiện có 4 hồ, đập lớn, là hồ Đắk Lô, hồ Phước Trung, đập Bê Đê và đập Đạ Bo đều đảm bảo hệ số an toàn cao cho vùng hạ du. Đường giao thông tỉnh lộ ĐT 721, đường lô 2, đường nội thị của huyện được sửa chữa, nâng cấp mặt đường cao hơn trước. Bên cạnh đó, người dân Cát Tiên cũng đã ý thức hơn trong việc “sống chung với lũ”, nên đã chủ động nâng cấp nhà cửa hoặc di dời đến các điểm an toàn. Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con thu hoạch mùa màng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến nay, bà con nông dân trong huyện đã thu hoạch được trên 90% trong tổng số gần 3.300 ha lúa vụ hè thu và diện tích khoai mì, các loại hoa màu ở các vùng thấp, trũng.

Với sự chuẩn bị chu đáo phương án PCLB trước, trong và sau khi lũ xảy ra, ông Đào Duy Mai - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban PCLB huyện Cát Tiên, khẳng định: “Trong tình huống lũ lụt xảy ra, chúng tôi tin rằng, với sự đồng thuận và nhất trí cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện là cơ sở để vận hành các phương án PCLB một cách linh hoạt, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ lụt có thể gây ra”.
THẾ ANH