Chú trọng nguồn nhân lực phục vụ xã hội

03:08, 17/08/2011

Thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung đào tạo đại trà, ngắn hạn các nghề phổ biến cho lao động nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để có thể  thích ứng với thị trường lao động.

Thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung đào tạo đại trà, ngắn hạn các nghề phổ biến cho lao động nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để có thể  thích ứng với thị trường lao động.

Hiện nay, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất trong xã hội là vấn đề đang đặt ra. Theo dự báo đến năm 2015, tỉnh Lâm Đồng có 110.000 lao động công nghiệp và 178.800 lao động dịch vụ. Do vậy, trong 5 năm nữa cần đào tạo nghề cho 35% lực lượng lao động. Đồng thời phải xây dựng chương trình đào tạo cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao đạt trình độ tiên tiến trong các khu công nghiệp và ngành công nghiệp. Tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực nông nghiệp, phát triển nông thôn bằng các hình thức hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất tiên tiến cho nông dân; đào tạo phát triển ngành nghề nông thôn; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; hướng dẫn đầu bờ, khuyến nông, khuyến lâm, triển khai trình diễn các mô hình sản xuất mới. Mặt khác, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, xây dựng các tiểu vùng kinh tế, hình thành các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao với xây dựng nông thôn mới, góp phần phân bổ lại lực lượng lao động hợp lý, bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tập trung đầu tư để phát triển nguồn nhân lực là nhằm đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ, tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh và cho doanh nghiệp trên địa bàn. Thế nhưng phải chú trọng theo tính chuyên môn hóa sâu. Không nên đào tạo dàn trải, đào tạo mà không gắn chặt với yêu cầu của người sử dụng, dẫn đến kém hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực sẽ thấp và lãng phí.

BÌNH NGUYÊN