Chuyện người đi mở đất

02:08, 07/08/2011

Đó là câu chuyện của chủ nhân 9 ha bắp, ông Nguyễn Cao Phong (sinh năm 1952), bệnh binh 61%, hiện là Chi hội trưởng CCB thôn Mỹ Bắc, xã Mỹ Lâm, huyện Cát Tiên.

Sau gần 1 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường bê bết sình lầy bằng xe gắn máy, chúng tôi đã đến được thôn Mỹ Bắc (xã Mỹ Lâm, huyện Cát Tiên). Từ đây, chúng tôi gửi xe và tiếp tục “cuốc bộ” khoảng 3 km đường rừng, vượt qua dốc “cổng trời”, rồi “tăng bo” bằng xuồng máy qua 2 khúc sông hiểm trở của dòng Đạ Lây (tiếp giáp xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh), mới đến được cánh đồng mênh mông bắp đang vào mùa thu hoạch. Chủ nhân của 9 ha bắp là ông Nguyễn Cao Phong (sinh năm 1952), bệnh binh 61%, hiện là Chi hội trưởng CCB thôn Mỹ Bắc.
 
Ông Nguyễn Cao Phong phấn khởi với vụ bắp được mùa
Ông Nguyễn Cao Phong phấn khởi với vụ bắp được mùa

TAN GIẤC MỘNG VÀNG

Mời chúng tôi vào trong lán trại chất đầy bắp, vừa nhấp ngụm chè xanh nóng hổi, ông Nguyễn Cao Phong chậm rãi kể về những thăng trầm của cuộc đời mình. Khi mới 16 tuổi, cũng như bao chàng trai trẻ mang trong mình tình yêu Tổ quốc, ông khoác ba lô tạm biệt gia đình, người thân, vùng quê Sơn Đông (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) để bắt đầu hành trình “Nam tiến” và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ và sau đó ở biên giới Tây Nam. Đến năm 1980, ông xuất ngũ, về quê đoàn tụ với gia đình.

Sinh ra trên vùng sông nước nên con đường làm ăn của ông cũng phải từ sông nước. Với suy nghĩ đó, ông đã vay mượn thêm tiền để đóng tàu chuyên chở hàng thuê. Ở thời điểm đó, tàu có trọng tải lớn chưa nhiều, cộng với uy tín trong làm ăn nên chẳng mấy chốc, ông đã liên kết được với nhiều chủ hàng, địa bàn vận chuyển bằng đường thủy được mở rộng khắp các tỉnh, thành ở miền Bắc.

Câu chuyện bị ngắt quãng khi ông dừng lại mồi điếu thuốc và rít một hơi thật sâu. Những vệt khói cuộn tròn tỏa ra trước mặt như để hồi tưởng về một thời hoàng kim của mình. Đó là vào những năm 1990, ông đã có tiền tỷ trong tay, có nhà lầu, xe hơi và đóng mới được con tàu có tải trọng lên đến 200 tấn. Từ đó, ông cũng không còn phải vất vả, lênh đênh sóng nước. Nhưng rồi cuộc đời nào ai biết được chữ “ngờ”! Vào giữa tháng 8/2000, trong một lần chở hàng, tàu của ông bị lốc xoáy nhấn chìm. Không chỉ mất trắng con tàu trên 1 tỷ đồng, ông còn phải bán nhà, bán xe để đền bù thiệt hại và trả nợ ngân hàng. “Anh có hình dung nổi không! Đang từ đỉnh cao của sự giàu sang, bao nhiêu của cải sau bao năm làm lụng vất vả, bỗng chốc bị tan biến, mọi thứ dường như sụp đổ, lúc đó tôi gần như đã hóa điên!” - ông Phong nói trong cay đắng.
         
HỒI SINH TRÊN QUÊ MỚI

Dường như để nguôi ngoai nỗi đau, những ngày sau đó, ông bắt đầu rong ruổi từ Bắc vào Nam. Khi ông vào thăm một người bà con ở xã Mỹ Lâm (Cát Tiên) đã tạo nên cơ duyên để ông gầy dựng lại cơ nghiệp trên mảnh đất này. Suốt 1 năm làm thuê cuốc mướn, ông không nhận bất cứ đồng tiền công nào mà chỉ nài nỉ chủ nhà nhượng lại cho 7 sào đất. Đến cuối năm 2001, vợ ông là bà Trần Thị Chản cùng các con vào Mỹ Lâm để đoàn tụ gia đình.
          
Thời gian đầu trên vùng quê mới, ông thao thức tìm hướng làm ăn để thoát nghèo. Bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, cộng với đức tính kiên trì chịu khó, vừa khai phá kết hợp trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã giúp gia đình ông từng bước vượt qua khó khăn. Nhưng cũng phải đến năm 2004, cuộc đời ông mới bước sang một “trang” mới, khi ông quyết định cùng với hai người con trai của mình vào dựng lán trại khai hoang trồng bắp ở vùng đất giáp với xã Đạ Lây (Đạ Tẻh). “Ngày xưa con tàu là phương tiện nuôi sống cả gia đình, còn giờ đây cây lúa, cây bắp chính là cứu cánh cho cả gia đình tôi” - Ông Phong tâm sự.
          
Để có tiền đầu tư, năm 2004, ông bán tất cả đàn bò 24 con được gần 80 triệu đồng để mua giống bắp lai, phân bón và các loại máy móc, gồm máy tách bắp, máy sấy, máy phát cỏ, máy cưa gốc và 2 máy phay đất. Giữa cánh đồng mênh mông bắp đang vào mùa thu hoạch, ông thật sự trải lòng:  “Kể ra ông trời cũng thật công bằng! Trước đây, sông nước đã lấy đi của tôi nhiều thứ, nhưng giờ đây tôi cũng đã nhận lại được nhiều thứ từ đất !”. Với 9 ha đất trồng bắp, 3 ha đất trồng lúa và hơn 2,5 ha đất đồi trồng điều, mỗi năm cho gia đình ông thu gần 90 tấn bắp, 30 tấn lúa, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động là con em CCB trong thôn. Lúc cao điểm, ông phải thuê từ 10 đến 15 lao động. Với giá bắp dao động từ 6.500 – 6.700 đồng/ kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm ông thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với nông dân ở vùng quê nghèo này. Ngoài ra, tận dụng đồi, bãi rộng, ông còn nuôi thêm gà thả vườn, với số lượng lên đến hàng trăm con.
           
“Phải nói rằng, càng ở những vùng khó khăn thì ý chí và nghị lực của bộ đội Cụ Hồ càng được thử thách! Chúng tôi luôn lấy anh Phong làm gương điển hình để các hội viên khác học tập” - ông Bùi Đình Bảy - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Lâm, nói.

THẾ ANH