Cụ già 72 và hành trình “xuyên Việt”

03:08, 10/08/2011

Cụ già 72 tuổi đã vượt gần 2.000 cây số, đi bộ từ Dinh Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) ra tới Hà Nội thăm Lăng Bác.

Ý chí đã giúp cụ già 72 tuổi vượt gần 2.000 cây số, đi bộ từ Dinh Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) ra tới Hà Nội thăm Lăng Bác. Hành trình đi bộ lần này là sự nối tiếp của lần đi xe đạp xuyên Việt mà ông đã thực hiện trong năm 2010.

Đến thôn Cát Lợi (xã Phước Cát I, huyện Cát Tiên), hỏi nhà ông Hồ Ngọc Khiết thì ai cũng biết, đó là “ông Khiết đi bộ”. Chuyến đi bộ lần này của ông được nhiều người biết đến. Còn lần đi xe đạp xuyên Việt trước, ông đi lặng lẽ, ngay cả vợ con cũng không biết. Ông bảo: “Lâu lắm, tôi chưa có dịp ra Hà Nội để thăm Lăng Bác. Tôi chọn năm 2010 - là năm kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, để thực hiện chuyến đi”. 

Cụ Khiết dừng chân trên đường đi bộ xuyên Việt
Cụ Khiết dừng chân trên đường đi bộ xuyên Việt
Hành trang ông mang theo rất giản đơn, chỉ có 2 bộ đồ, một chiếc võng, máy chụp hình, điện thoại di động, máy đo huyết áp và các loại thuốc men cần thiết. Vì giấu vợ con, nên ngay từ tờ mờ sáng, ông đã ra đón xe khách đi thành phố Hồ Chí Minh. Đúng 6 giờ sáng ngày 19/4/2010, từ Dinh Thống Nhất, ông bắt đầu khởi hành chuyến đi xuyên Việt bằng chiếc xe đạp leo núi mượn của cháu nội. Trong suốt hành trình 20 ngày, phải mất 5 lần vá và 1 lần thay ruột xe, ông mới ra tới Hà Nội, thỏa lòng mong ước được gặp Bác Hồ. “Trên đường trở vào, tôi lại có cảm giác bị hụt hẫng. Đi suốt một hành trình dài, nhưng chỉ được gặp Bác trong phút chốc! Ngay lúc này, tôi lại nảy sinh ý định sẽ trở lại thăm Bác một lần nữa. Và lần này, tôi sẽ thử sức mình bằng đi bộ!” – Ông Khiết tâm sự.

Ông chuẩn bị cho chuyến đi bộ khá kỹ càng. Ngay khi về lại nhà, ông đã tập đi bộ với quãng đường ngày càng dài. Chị Hồ Thị Kim Thùy – con gái ông Khiết, kể lại: “Sáng nào, ông cũng tập đi bộ. Cả nhà cứ nghĩ ông đi bộ để tập thể dục, giữ gìn sức khỏe, chứ đâu ngờ ông lại có ý định đi bộ xuyên Việt. Khi biết chuyện, cả nhà đều can ngăn, nhưng chẳng được!...”.

Khuya 18/2/2011, ông thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, cầu mong “bề trên” phù hộ chuyến đi. Khi về đến thành phố Hồ Chí Minh, ông không thể tiếp tục thực hiện chuyến đi của mình, vì bị rối loạn tiền đình, phì đại tuyến tiền liệt. Phải mất 9 ngày sau, ngày 27/2, ông mới thực hiện chuyến đi dặm trường bằng niềm tin, và ý chí. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 19/5, ông có mặt tại Lăng Bác. Hành trình 78 ngày đi bộ trên Quốc lộ 1A là những tháng ngày ông trải nghiệm bước chân của bộ đội Cụ Hồ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ban đầu, mỗi ngày ông đi được khoảng 30 km, càng về sau thì ông chỉ đi 20 km. Ông kể: “Một hôm, khi đi đến địa phận tỉnh Phú Yên, một cô tốt bụng đã dừng xe lại cho tôi “quá giang”, nhưng tôi đã từ chối. Khoảng 15 phút sau, cô ấy quay lại và đưa cho tôi cái bánh bao lót lòng cho đỡ đói!”. Và “Một lần trời đã tối, tôi vào một trụ sở UBND xã để xin ngủ nhờ, nhưng cán bộ xã này một mực từ chối!”… Còn đó, rất nhiều chuyện vui, chuyện buồn trên suốt hành trình của ông. Trong cuốn nhật ký dày hơn 200 trang vở học trò của mình, ông ghi lại đầy đủ những nơi mình đi qua, những chỗ mình ghé thăm. Và, trong đó cũng có không ít những lời động viên chia sẻ của những người chưa một lần quen biết. 

Với cụ Hồ Ngọc Khiết, tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày ông vẫn cuốc cỏ, làm vườn và tập luyện đi bộ. Ông tâm sự: “Có thể tôi sẽ đi bộ xuyên Việt thêm một lần nữa. Nhưng lần tới, tôi có một mong muốn lớn hơn, là làm sao để có thể vận động tài trợ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”.

HỮU SANG