Đạ Chais chuyển mình

02:08, 02/08/2011

Trên cung đường chiến lược nối thành phố hoa Đà Lạt với phố biển Nha Trang, những buôn làng của xã anh hùng Đạ Chais (huyện Lạc Dương) hôm nay đã chuyển mình đổi mới.

Trên cung đường chiến lược nối thành phố hoa Đà Lạt với phố biển Nha Trang, những buôn làng của xã anh hùng Đạ Chais (huyện Lạc Dương) hôm nay đã chuyển mình đổi mới. Cuộc sống của người đồng bào Cil kiên cường đã từng tham gia vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã có những nét khởi sắc đáng tự hào.
 
Đường 723 đã mở ra nhiều cơ hội cho xã anh hùng Đạ Chais.
Đường 723 đã mở ra nhiều cơ hội cho xã anh hùng Đạ Chais.

NHỮNG TÍN HIỆU MỪNG

Từ năm 2003 trở về trước, muốn đến vùng này phải mất cả ngày đường băng rừng, lội suối rất vất vả. Ấy mà hôm nay, tỉnh lộ 723 như con trăn khổng lồ xuyên qua những cánh rừng đã dẫn chúng tôi đến buôn làng của xã Đạ Chais khá dễ dàng. Nằm dưới chân dãy núi Bidoup huyền thoại với địa thế hiểm trở, nơi đây trước kia trở thành căn cứ cách mạng với những chiến sĩ giao liên dũng cảm có nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường. Trong khi làm nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ người Cil đã ngã xuống. Đến nay, họ vẫn được nhân dân ghi công, nhớ ơn trên đài tưởng niệm ở vị trí trang trọng nhất.

Về Đạ Chais hôm nay, những ngôi nhà xây, nhà gỗ còn khá mới nằm san sát dọc theo tuyến tỉnh lộ 723. Cạnh đó là những vườn cà phê xanh ngắt trải dọc theo những sườn đồi. Cuộc sống càng trở nên nhộn nhịp khi hàng quán ngày một nhiều, phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch khi đi ngang qua đây. Tiếp chúng tôi tại trụ sở Ủy ban xã khá khang trang, Chủ tịch xã Kơ Đơng Ha Quyên vui mừng nói: “Sau khi mở đường đến nay đã có gần 20 doanh nghiệp đ?ng ký đầu tư dự án tại xã. Hiện đã có 3 công ty hoạt động rất hiệu quả, tạo nhiều công ăn việc làm thời vụ cho bà con trong buôn”.

Theo thống kê của UBND xã, mức thu nhập bình quân của người dân trong năm 2010 đã đạt 9,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 42% (124 hộ). Bên cạnh đó, công tác văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đào tạo nghề cho thanh niên ngày càng được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm rẫy như trước đây.

Không chỉ có những bước phát triển về kinh tế mà giờ đây, ở cả 4 thôn buôn trong xã đã có lưới điện sử dụng. Hệ thống trường trạm, chăm sóc y tế ngày càng hoàn chỉnh. Ở xã nay đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường cấp hai với cơ sở vật chất khá đầy đủ, phục vụ tốt cho việc lên lớp của học sinh đồng bào. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Lanh, thầy Phạm Văn Kiên mừng rỡ: “Cả trường hiện có 266 học sinh ở các lớp, trong đó 97% là học sinh người Cil. Trong thời gian qua công tác duy trì sỹ số được nhà trường thực hiện khá tốt nên những năm gần đây chưa có học sinh bỏ học giữa chừng”.
 
Trẻ em Đạ Chais trên đường đến trường
Trẻ em Đạ Chais trên đường đến trường

CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG

Năm 2007 và 2008, xã còn vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và động viên, khích lệ. Đó chính là nguồn động lực lớn để đồng bào người Cil vươn lên làm giàu.  So với 5 năm trước, cuộc sống người đồng bào Cil ở khu căn cứ cách mạng huyền thoại này đã chuyển biến rõ rệt. Từ nguồn vố hỗ trợ của Chương trình 135, 167, 168, Chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con làm kinh tế, giao khoán bảo vệ rừng… nhiều gia đình trong buôn đã xây được nhà bê tông kiên cố, có rẫy cà phê, có đàn bò, đàn heo… cho thu nhập ổn định hàng năm.

Điển hình như gia đình chị Kơ Đơng Ka Thu (43 tuổi, thôn Tu Vó, có bố là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ) kinh tế rất khá giả. Năm 2008, gia đình chị còn vinh dự được nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm hỏi, động viên khích lệ. Cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị đã có nhà mới, có vườn cà phê, có đàn bò lên đến 30 con, mua được ô tô riêng, các con của chị đều được đi học đầy đủ… Chị Ka Thu bày tỏ: “Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi và bà con trong vùng đã có nước sạch, có điện sáng đề dùng, cuộc sống ngày một được cải thiện và ổn định hơn”.

Ngoài ra, với vị trí thuận lợi của mình, Đạ Chais cũng đang trở thành mục tiêu đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Minh chứng rõ nhất đó là sự thành công của các công ty chuyên đầu tư nuôi cá nước lạnh (cá Hồi), trồng rau hoa công nghệ cao trong thời gian qua như công ty Giang Ly, Ngọc Mai Trang, Vạn Phát… Đây chính là tín hiệu khả quan cho hướng đi mới để các tiềm năng của Đạ Chais sẽ được khai thác triệt để trong tương lai gần. Một tương lai đã thấy rất rõ, ở ngay phía trước khi mà tuyến đường chiến lược 723 đã mở rộng và hoàn thiện như hiện nay.

Đây cũng là cơ hội để Đạ Chais phát huy những “đặc sản” của riêng mình, đó hẳn là không gian cồng chiêng sôi nổi, là chóe rượu cần ngây ngất, là làng nghề thổ cẩm truyền thống… Những nét độc đáo này nếu được đầu tư và khai thác đúng cách sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái hấp dẫn. Đồng thời, sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đi qua tuyến đường chiến lược nối giữa hai thành phố biển và hoa nổi tiếng.

NGUYỄN DŨNG