Đà Lạt làm gì để phát triển nhanh và bền vững?

03:08, 23/08/2011

Đồng chí Đoàn Văn Việt – UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt đã trao đổi với Báo Lâm Đồng những vấn đề cơ bản của Nghị quyết 08 – NQ/TU nhằm phát triển Đà Lạt nhanh và bền vững.

LTS: Đà Lạt là thành phố loại I trực thuộc tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Không dừng ở đó, ngày 5/8/2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá VIII) đã ban hành Nghị quyết số 08 – NQ/TU với nội dung phát triển TP. Đà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 – 2015, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện. Đồng chí Đoàn Văn Việt – UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt đã trao đổi với Báo Lâm Đồng những vấn đề cơ bản của Nghị quyết 08 – NQ/TU nhằm phát triển Đà Lạt nhanh và bền vững. 

PV: Hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố, đề nghị đồng chí Bí thư Thành uỷ cho biết mục tiêu và những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu mà Nghị quyết 08 – NQ/TU đã đề ra?

Đ/c Đoàn Văn Việt
Đ/c Đoàn Văn Việt
Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Lạt giai đoạn 2006 - 2010, thành phố đã hoàn thành 15/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nét vai trò là địa bàn trọng điểm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thật sự tạo bước đột phá, tăng tốc cho cả nền kinh tế, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Do vậy, giai đoạn 2011 - 2015, Đà Lạt cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch chất lượng cao và tạo tiền đề trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo lớn của cả nước và khu vực. Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị; quy hoạch mở rộng và xây dựng thành phố Đà Lạt đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Theo đó, Đà Lạt cần phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu vào năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá 1994) bình quân hàng năm 17-18%; trong đó, nông, lâm nghiệp – thuỷ sản tăng 9-10%, công nghiệp - xây dựng tăng 16-17%, dịch vụ tăng 19-20%. Cơ cấu GDP năm 2015: nông, lâm nghiệp - thuỷ sản 7-8%, công nghiệp - xây dựng 16-17%, dịch vụ 75-76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 260 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm 15.135 tỷ đồng; trong đó thu từ thuế, phí chiếm tỷ trọng 46,25%; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm 20- 22%. Thu hút từ 3,7 đến 4,2 triệu lượt khách du lịch. GDP bình quân đầu người trên 50 triệu đồng...

PV: Làm gì để thực hiện mục tiêu và những chỉ tiêu trên, thưa đồng chí?

Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Trước hết, về phát triển kinh tế, Đà Lạt cần quan tâm khuyến khích đầu tư xây dựng đồng bộ và từng bước hoàn thiện, hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đa dạng các loại hình du lịch có lợi thế, các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Mở rộng không gian du lịch đến các vùng phụ cận thành phố, tạo sự liên kết giữa khu vực trung tâm và vùng ven, đảm bảo phục vụ cho các đối tượng khách du lịch. Phối hợp chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh bị xuống cấp. Tạo lập môi trường xã hội thân thiện, môi trường kinh doanh lành mạnh. Giữ gìn môi trường tự nhiên trong lành, kiến trúc độc đáo; thực hiện tốt chương trình "nhãn hiệu xanh", phấn đấu đến năm 2015 có 60% cơ sở đạt "nhãn hiệu xanh". Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh du lịch. Tập trung đầu tư phát triển các loại sản phẩm có lợi thế như rau an toàn, hoa cắt cành, dâu tây, atisô, chè cao cấp, giống rau, hoa. Đến năm 2015, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác đạt trên 200 triệu đồng; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 65% giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng điểm công nghiệp Phát Chi - Trạm Hành để thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội ô thành phố. Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Đà Lạt và xây dựng một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn kết với các hoạt động du lịch.

PV: Được biết, Nghị quyết đã đề ra việc nâng cấp Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới, vậy thành phố sẽ có hướng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và bảo vệ cảnh quan, môi trường như thế nào?

Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị là vấn đề đang đặt ra, do vậy Đà Lạt phải tiếp tục chỉnh trang xây dựng, phát triển thành phố, dần hoàn thiện các tiêu chí về kết cấu hạ tầng của đô thị loại I trực thuộc tỉnh từ năm 2012; phối hợp quy hoạch mở rộng thành phố hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương. Đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, tập trung đầu tư hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, thu gom và xử lý chất thải; các trung tâm thương mại, trường học, khu công viên; các công trình phục vụ phát triển văn hoá, thể thao ở phường, xã; nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp... chuẩn bị và thực hiện đề án mở rộng, thành lập thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương.

Nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch và cơ sở đề án mở rộng, nâng cấp Đà Lạt hướng đến thành thành phố trực thuộc Trung ương; rà soát, điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050; tập trung lập quy hoạch chi tiết, phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch là 80%. Rà soát các dự án đầu tư, có sự điều chỉnh hợp lý, đảm bảo tính khả thi của dự án và ổn định đời sống của người dân. Từ cơ sở quy hoạch, Thành phố sẽ xây dựng chương trình tổng thể và phân kỳ đầu tư, phân định rõ nguồn lực đầu tư để chủ động xây dựng dự án đầu tư hàng năm từ nguồn vốn ngân sách tập trung và nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, tránh lãng phí. Công bố quy hoạch để nhân dân tham gia góp ý, giám sát, thực hiện quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch.

Đối với vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường, thành phố tiếp tục tăng cường  những giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt rừng cảnh quan và các danh lam thắng cảnh; hàng năm có kế hoạch tôn tạo, nâng cấp phù hợp, không để bị xâm hại hay xuống cấp. Tăng cường đầu tư của Nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực để bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường cảnh quan. Có giải pháp thích hợp để quản lý và kiểm soát chặt chẽ chất thải, nhất là chất thải độc hại. Xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường. Quy hoạch và phát triển các loài hoa, cây xanh phân tán trên khắp địa bàn thành phố.
 
Sân Golf (Đà Lạt)
Sân Golf (Đà Lạt)

PV: Thưa đồng chí, để Đà Lạt phát triển nhanh và bền vững trong 5 năm tới, vậy các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm mà thành phố cần bám sát để triển khai thực hiện?

Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Nhiệm vụ phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện được cụ thể hoá bằng các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm sau.
 
Tiếp tục tập trung vào các chương trình trọng tâm:

- Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

- Chương trình phát triển du lịch chất lượng cao gắn với nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ khác.

- Chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và củng cố thương hiệu, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục xây dựng văn minh đô thị; thành phố thân thiện cả về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

- Phát triển nguồn nhân lực của thành phố đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới.

- Hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I
.
- Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Các công trình trọng điểm:
 
- Hoàn thành, đưa vào sử dụng những công trình đang xây dựng, như: Quảng trường thành phố, điểm công nghiệp Phát Chi - Trạm Hành, Công viên Ánh Sáng, khu dân cư 5B và các khu tái định cư, khu C chợ Đà Lạt.

- Phối hợp triển khai xây dựng hệ thống đường vành đai ngoài, trung tâm giao dịch hoa và các chợ dân sinh, nhà máy xử lý chất thải rắn, hệ thống thoát nước kiên cố, Công viên Văn hoá và Đô thị Đà Lạt, Công viên văn hoá Bà Huyện Thanh Quan, Trung tâm Văn hoá - Thể thao Lâm Đồng, Khu Du lịch Cam Ly - Măng Lin, Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Khu Du lịch cụm Prenn, Ký túc xá sinh viên, Trung tâm thương mại Ánh Sáng. Chỉnh trang khu Hoà Bình và khu vực lân cận; hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước thải đô thị, hệ thống điện sinh hoạt.

- Phát triển các làng hoa, nâng chất lượng làng hoa Thái Phiên, Hà Đông để phát huy nghề trồng hoa và tạo điểm đến cho khách du lịch.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư và chúc Đảng bộ thành phố có nhiều giải pháp sáng tạo để thực hiện tốt Nghị quyết 08 – NQ/TU !.
HỒ LAN (thực hiện)