(LĐ online) - Trong 2 ngày (17 & 18/8), 100 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã gặp mặt tại TP Đà Lạt, cùng ôn lại truyền thống đoàn kết, lòng yêu quê hương đất nước của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Sau khi viếng Nghĩa trang liệt sỹ, tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh, giao lưu văn nghệ, các đại biểu đã có buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh và các ban ngành. Buổi gặp mặt có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo: Nguyễn Xuân Tiến - ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Văn Thiện - đại diện UB TƯMTTQ Việt Nam; Huỳnh Đức Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh…
Ông Đàm Xuân Đêu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lâm Đồng đã đọc báo cáo ôn lại truyền thống giữ nước và xây dựng đất nước của đồng bào các DTTS tỉnh Lâm Đồng cùng các dân tộc anh em trong thế kỷ XX và hơn 2 thập niên qua. Là một bộ phận gắn kết ruột thịt trong nghĩa “đồng bào”, con dân nước Việt, các DTTS anh em nói chung và Lâm Đồng nói riêng luôn yêu nước nồng nàn, đoàn kết, tự lực tự cường; một lòng theo Đảng và Bác Hồ cùng cả nước làm nên những kỳ tích lừng lẫy trong 2 cuộc kháng chiến giữ nước và xây dựng đất nước.
Rất nhiều điển hình tập thể và cá nhân đồng bào DTTS đã để lại dấu ấn đậm nét trong trang sử tỉnh Lâm Đồng. Đó là các phong trào chống thực dân Pháp của các dân tộc K’Ho, Mạ ở Di Linh dưới sự chỉ huy của K’Dúi cách đây hơn 100 năm và bà Ka Nhòi, Ka Voai cuối năm 1930… Đó là nhiều trận đánh chống đế quốc Mỹ vang dội của những tập thể buôn làng. Rất nhiều cá nhân điển hình nổi lên trong cuộc kháng chiến như: Mang Sang, Huỳnh Tấn Công (Tố La), Huỳnh Văn Thứ (Nộp), Huỳnh Lam Sơn (Cờ Dòn), Hoàng Minh Đỏ (Ba Đen), Hà Giang Dẻ (K’Che), K’Tuất, K’Long, K’Lý, K’Đạ, K’Dụ, K’Thanh Lú, K’Muổi, K’Oanh, K’Ba Dùi, K’Dỉnh… Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều huân, huy chương và tặng thưởng cao quý.
Trong xây dựng quê hương Lâm Đồng sau hòa bình, cùng tinh thần lao động tích cực của đồng bào DTTS, Trung ương và tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng DTTS. Chỉ tính 10 năm qua (2000-2010), tỉnh đã đầu tư trên 685 tỷ đồng phát triển kinh tế-xã hội, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sống của đồng bào. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 lượt cán bộ DTTS được đào tạo, 1.728 cán bộ đang công tác trong các cơ quan nhà nước… Những điển hình trong lao động sản xuất ngày càng xuất hiện nhiều trên toàn tỉnh. Đó là tập thể xã Anh hùng lao động Tân Châu (Di Linh); ứng dụng tốt kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi như: Đạ Chais (Lạc Dương); Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Gia Bắc, Sơn Điền (Di Linh), Đạ Ploa (Đạ Huoai), Đồng Nai Thượng (Cát Tiên); chăm sóc và bảo vệ rừng ở Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm (Bảo Lâm)…
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu DTTS đã bày tỏ một dạ thủy chung với đường lối của Đảng và Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết với các dân tộc anh em và cảm ơn những quan tâm thiết thực, ý nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS thời gian qua.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong toàn tỉnh, đặc biệt là các cá nhân, gia đình tiêu biểu tại buổi gặp mặt. Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Đối với cá nhân, gia đình có công với cách mạng, cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; vận động đồng bào nỗ lực tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, khắc phục tình trạng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước; tích cực thi đua lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội; gương mẫu thực hiện và vận động bà con, dòng tộc nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới”.
Ghi nhận những ý kiến đề xuất, góp ý của các đại biểu DTTS về chính sách, chế độ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu thực hiện.