Hãy hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

02:08, 04/08/2011

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nó còn là nguyên nhân gây nên biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải lên tiếng. Tội ác phải bị vạch trần. Công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải...

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nó còn là nguyên nhân gây nên biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải lên tiếng. Tội ác phải bị vạch trần. Công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải. Nửa thế kỷ thảm họa da cam ở Việt Nam – nhớ lại và suy nghĩ, đau thương và hành động. Hãy hành động một cách tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ nét nhất đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Tính đến 31/12/2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động được gần 199 tỷ đồng, trong đó các tổ chức và cá nhân trong nước ủng hộ gần 171 tỷ đồng, các tổ chức và các cá nhân nước ngoài ủng hộ hơn 28 tỷ đồng. Số tiền này đã trợ cấp làm 1.533 ngôi nhà, xây dựng 12 cơ sở bán trú, 298 suất trợ cấp tìm việc làm, 773 suất trợ cấp học bổng, gần 32.000 suất trợ cấp vốn sản xuất, khám chữa bệnh… Một số địa phương đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng hình thức trao tặng hiện vật, đầu tư trực tiếp khoảng 40,8 tỷ đồng để xây dựng 3 trung tâm phục hồi chức năng tại Đà Nẵng, Thái Bình và Bà Rịa – Vũng Tàu; xây dựng 20 ngồi nhà tình thương, trợ cấp 580 suất học bổng, trợ giúp 40 con em nạn nhân tìm việc làm; có 25.577 lượt  nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) được khám chữa bệnh, cấp vốn sản xuất, trợ cấp khó khăn…

Thông báo số 292-TB/TW ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”. Theo tinh thần đó, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam. Khắc phục hậu quả CĐDC là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và của mọi người dân, cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và phải được lồng ghép với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH của đất nước, địa phương. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cơ chế, chính sách trợ giúp người bị hậu quả CĐDC. Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC. Xây dựng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp vững mạnh. Đặt lên hàng đầu công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, coi đó là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Xã  hội hóa các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, huy động toàn dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú. Có nhiều hình thức tri ân những tấm lòng vàng vì nạn nhân CĐDC, cổ vũ mạnh mẽ những gương vượt khó vươn lên của nạn nhân CĐDC. Mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn lực, khoa học – công nghệ và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, luật gia, các nhà hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo trên thế giới.
 
H.LAN