Hạ cánh ở sân bay Côn Đảo lúc gần 8 giờ, chúng tôi khẩn trương lên xe ô tô, đến các di tích thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã cầm tù, tra tấn và sát hại các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Thời gian tham quan chỉ có một ngày. Bởi vậy, đoàn tranh thủ đến những di tích trọng điểm, gồm: Nghĩa trang Hàng Dương (viếng mộ của liệt sĩ Lê Hồng Phong, mộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh và mộ Anh hùng Võ Thị Sáu); các trại tù Phú Sơn, Phú Bình; các địa ngục của địa ngục như: Hầm xay lúa, bãi đập đá, chuồng cọp thời Pháp, chuồng cọp thời Mỹ, hố phân bò. Kết thúc bằng việc thăm nơi trưng bày di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo.
Thăm di tích Chuồng Cọp thời Pháp tại Côn Đảo |
Tận mắt nhìn hiện vật di tích, tận tai nghe thuyết minh tái hiện từng sự kiện và ý nghĩa của chúng, mọi người hiểu rằng: Sự kể lại, sự mô phỏng chỉ biểu thị được một phần nhỏ sự thật!… Rất nhiều câu hỏi và câu trả lời đã được đưa ra ngay trong lúc tham quan cũng như khi ở trên xe. Vừa đi vừa tọa đàm.
Một bạn trẻ đặt vấn đề: “Người chiến sĩ cách mạng đâu phải kẻ liều lĩnh, đâu phải con thiêu thân. Vậy tại sao họ không thỏa hiệp để sống, mà cứ chịu quằn quại, đón nhận cái chết trong đau đớn tột cùng?”. Tranh luận rất sôi nổi: Bởi con đường sống, sự sống mà quân thù có thể đổi cho người cộng sản Việt Nam ở trong tù là trái với phẩm giá, đạo đức dân tộc “Chết vinh còn hơn sống nhục!”; là sự thất hứa, nuốt thề của người đảng viên trước Đảng. Quân thù hành hạ đồng loại với những đòn tra tấn ác hơn dã thú vì chúng muốn đạt mục đích chính trị, buộc các chiến sĩ cách mạng ký tên ly khai cộng sản, chào cờ của chúng và hô “Đả đảo Hồ Chí Minh!”. Chỉ cần “ly khai” là sẽ sống. Nhưng là sống phản bội, là tiếp thêm sức mạnh để kẻ thù tin rằng cái ác sẽ thắng! Sẽ không có ngày toàn thắng của chúng ta!... Pho sử Côn Đảo lưu truyền chuyện ông Cao Văn Ngọc, một thơ ký công hội xã, không phải là đảng viên Cộng sản mà đấu tranh đến cùng chống ly khai Đảng, chống hô khẩu hiệu đả đảo Hồ Chí Minh. Chúa ngục hỏi: “Ông mắc nợ gì với Hồ Chí Minh mà không hô đả đảo?”. Ông đã trả lời: “Tôi mắc nợ Cụ Hồ, vì Cụ đã đem lại độc lập tự do cho nước Việt Nam”… Tóm lại: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”. Cái đã làm cho người Cộng sản Việt Nam và những người dân Việt Nam yêu nước chịu đựng nổi sự tra tấn tàn bạo của quân thù chính là truyền thống bất khuất của dân tộc, là khát vọng độc lập tự do, là danh dự.
“Tại sao ở thị trấn Côn Đảo, đặc biệt là nghĩa trang Hàng Dương, có cây cối mà lại rất ít chim chóc!”. Câu hỏi thoạt nghe có vẻ đơn giản. Nhưng tọa đàm thì thấy cay sống mũi… “Có phải bởi tại bọn thực dân, đế quốc và tay sai thời đó đã biến hòn đảo thiên thần này thành địa ngục trần gian, làm cho loài chim cũng sợ hãi, kinh hoàng, đâu còn “đất lành chim đậu”! Bây giờ Côn Đảo đất đã lành. Những cánh chim từ muôn phương rồi sẽ tìm tới đây, sinh sôi, nảy nở, cất lên tiếng hót trên bầu trời tự do giữa biển khơi của Tổ quốc.
Di tích Nhà tù Côn Đảo mãi mãi là trường học sống động về đấu tranh cách mạng. Chung sức, chung lòng giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh để thỏa lòng mong ước của các anh hùng liệt sĩ nói chung, các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Côn Đảo nói riêng, không chỉ là sự đền ơn đáp nghĩa mà còn là để triệt tiêu vĩnh viễn địa ngục trần gian!
Nay đến Côn Đảo, xin đừng chỉ là để ngắm nhìn bờ biển tuyệt đẹp và thưởng thức đặc sản… Hãy nhớ: Mỗi lá cây, ngọn cỏ, nhành hoa ở đấy đều thấm máu các chiến sĩ cách mạng! Đến đấy, hãy học lấy, dù chỉ một chút, về đạo lý làm người!