Hội sinh vật cảnh Di Linh: “Lớn” nhanh cùng thời gian

03:08, 24/08/2011

Mười năm chưa phải là dài, những thành tích mà Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Di Linh đã đạt được, mọi người đều có thể ghi nhận, đây là một cố gắng nỗ lực vượt bậc của những nghệ nhân đam mê nghệ thuật SVC. Họ đã và đang chung tay góp sức để Hội “lớn” nhanh cùng thời gian!

Mười năm chưa phải là dài, những thành tích mà Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Di Linh đã đạt được, mọi người đều có thể ghi nhận, đây là một cố gắng nỗ lực vượt bậc của những nghệ nhân đam mê nghệ thuật SVC. Họ đã và đang chung tay góp sức để Hội “lớn” nhanh cùng thời gian!

Bản đồ Việt Nam (tác phẩm đá nghệ thuật)
Bản đồ Việt Nam (tác phẩm đá nghệ thuật)
Được thành lập từ tháng 2/2001, Hội SVC huyện Di Linh ban đầu chỉ có 7 thành viên là những hội viên sáng lập. Đến hết nhiệm kỳ I, Hội chỉ có 54 hội viên và hình thành 5 chi hội. Sau 10 năm hoạt động, đến nay, Hội SVC Di Linh đã thu hút 192 hội viên và thành lập được 9 chi hội. Trong đó, thị trấn Di Linh có 2 chi hội; số chi hội còn lại là ở các xã. Đặc biệt, Hội SVC Di Linh đã hình thành được 8 bộ môn chuyên ngành, gồm: Đá cảnh, gỗ lũa và cây khô nghệ thuật, bon sai – kiểng cổ, điêu khắc gỗ, đá mỹ nghệ, hoa lan, tranh thêu lụa và chim, cá cảnh. Ông Lê Văn Tòng – Chủ tịch Hội SVC Di Linh khóa II, cho biết: “Hội đã xây dựng được một nhà cấy mô để lưu giữ và phát triển những loại lan quý hiếm và nhân giống những loại lan mới có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Hội còn hình thành một xưởng sản xuất, gia công đá mỹ nghệ; xây dựng một cơ sở gia công mộc điêu khắc…”. 

Xác định là một tổ chức xã hội và nghề nghiệp, Hội SVC huyện Di Linh thực hiện đúng định hướng, là gắn giữa thú vui chơi tao nhã với làm kinh tế SVC, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa ngành nghề ở địa phương.

Hội đã bảo tồn, khai thác, lai tạo hoa lan rừng trong thiên nhiên đã đem lại kết quả khả quan. Hầu hết các giống lan rừng trên địa bàn được gìn giữ và hàng năm phát triển thành hàng trăm ngàn chậu và đưa đi trao đổi nhiều nơi trong nước. Nhiều loại lan rừng quí như Dạ hạc, Hạc đỉnh, Ý thảo, Long tu, Kim Điệp… đã được bảo tồn và phát triển bằng phương pháp tự nhiên và sinh học. Hội đã lai tạo thành công 2 giống lan hiếm là Dạ hạc và Ý thảo thành giống mới Ý Thảo hạc. Ngoài ra, Hội còn sưu tầm thêm một số giống mới, như Hạc đỉnh vàng, Dạ hạc trắng, Hài lạ…

Trong những năm qua, nhiều hội viên Hội SVC Di Linh đã tích cực sưu tầm, khai thác tại địa phương và nơi khác; đồng thời, dày công sáng tạo hàng ngàn chậu bon sai – kiểng cổ có giá trị, làm phong phú thêm loại hình nghệ thuật SVC này. Rất thú vị, không biết mệt mỏi, nhiều hội viên trong Hội đã từng leo núi, trèo rừng; lội từng con khe, dòng suối để sưu tầm, tìm kiếm những viên đá, những gốc cây khô. Và dưới con mắt nghệ thuật cùng bàn tay sáng tạo, họ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Có những tác phẩm có giá trị tới hàng trăm triệu đồng.

Các hội viên trong Hội SVC vừa trực tiếp trồng, vừa cung cấp giống và hướng dẫn bà con nông dân tại địa phương về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm hoa hồng môn. Đến nay, tại Di Linh đã có 30 gia đình cùng liên kết với Hội SVC trồng trên 5 ha hoa hồng môn. Hàng năm, họ cùng với Hội cung cấp hàng triệu cành hoa cho thị trường trong và ngoài nước, với doanh thu khoảng 7 tỷ đồng. Cũng từ các hoạt động của mình, Hội SVC Di Linh đã tham gia góp phần giải quyết việc làm cho 70 lao động tại địa phương.

Do vừa làm, vừa học, hội viên Hội SVC Di Linh khiêm tốn học tập và nâng cao dần kiến thức về nghệ thuật sinh vật cảnh bằng nhiều cách. Trong đó, việc tích cực tham gia trưng bày, triển lãm phục vụ các lễ hội, hội chợ thương mại, hội hoa xuân hàng năm… là một trong những cách để nâng dần “tay nghề”. Hội đã có nhiều tác phẩm tham gia  Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Lễ Hội SVC Đồng bằng Sông Cửu Long, hàng năm đều tham gia Hội hoa xuân tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Lạt, tham gia đầy đủ các Festival hoa Đà Lạt… Thông qua đó, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, Hội SVC Di Linh có 4 tác phẩm được giải đặc biệt toàn quốc, 19 Huy chương Vàng, 45 Huy chương Bạc, 78 Huy chương Đồng và 77 giải khuyến khích. Nhiều tập thể và cá nhân trong Hội được tặng bằng và giấy khen. Trong đó, Hội đã được Hội SVC Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
 
Cây kiểng của Hội SVC Di Linh
Cây kiểng của Hội SVC Di Linh

Đánh giá về hoạt động của Hội SVC Di Linh, ông Huỳnh Minh Xuyến - Chủ tịch Hội SVC tỉnh Lâm Đồng, có lời nhận xét: “Hội SVC Di Linh là một trong những đơn vị hoạt động tốt, năng động và đã tạo được các loại hình hoạt động SVC đa dạng, phong phú…”. Tuy nhiên, cũng theo ông: “Di Linh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển SVC. Để phát huy được tiềm năng đó, Hội SVC cũng phải phát triển thêm hội viên và xây dựng thêm chi hội tại các xã. Để SVC trở thành một ngành kinh tế, đòi hỏi Hội SVC Di Linh phải quan tâm tổ chức cho hội viên được bồi dưỡng, học tập, đào tạo nghề. Có như vậy, Hội mới có thể góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và nông dân, dần dần tiến tới hình thành các làng nghề SVC”.
 
Ngày 22/8/2011, Hội SVC huyện Di Linh đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ III để đánh giá kiểm điểm hoạt động trong nhiệm kỳ II (2006 – 2011) và bàn phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ III (2011 – 2016). Đặc biệt, ngoài sự hiện diện đông đủ các hội viên, lãnh đạo địa phương và Hội SVC tỉnh, các đại biểu đến từ Hội SVC: Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Cát Tiên, Đại hội còn đón tiếp các đại biểu đến từ nhiều CLB, Hội SVC và Công ty cây xanh thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc… Đại hội còn là dịp để giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong giới đam mê nghệ thuật SVC tại địa phương, trong và ngoài tỉnh. Dịp này, Đại hội đã trao nhiều giấy khen của UBND huyện Di Linh, Hội SVC tỉnh và Hội SVC huyện cho những tập thể và cá nhân có thành tích. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 19 thành viên và bầu 18 đại biểu đi dự Đại hội Hội SVC tỉnh sắp đến. Ông Đinh Công Bình được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội SVC Di Linh khóa mới.

BÙI TRƯỞNG