Ngày 29/8, tại TP Đà Lạt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp cùng với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo về xóa bỏ và thay thế cây chứa chất ma túy năm 2011.
Nhận định chung về tình hình trồng và tái trồng cây chứa chất ma túy ở Việt Nam của Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng: Diện tích trồng cây chứa chất ma túy ngày càng giảm; việc nghiên cứu, chuyển giao các mô hình thay thế cây chứa chất ma túy từng bước có hiệu quả, được người dân hưởng ứng. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện và phá bỏ toàn bộ diện tích tái trồng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần tích cực trong việc thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống ma túy.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, tuy có tình trạng tái trồng cây cần sa nhưng đều ở quy mô nhỏ, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và kịp thời triệt phá. Cụ thể: Gia Lai phát hiện và triệt phá hơn 6.940 m2 cây cần sa; Đăk Nông 5.000 m2 cây cần sa; TP Phan Thiết (Bình Thuận) phát hiện 1 hộ trồng 23 cây cần sa…
Riêng tại Lâm Đồng, tuy không tăng về số hộ nhưng tăng rất nhiều lần về số lượng cây trồng và diện tích so với niên vụ trước với 2.990 cây cần sa/5.585 m2, tập trung tại các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đạ Huoai, TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt.
Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh, TP cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới đó là: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các già làng, trưởng tộc, trưởng thôn và những người có uy tín trong cộng đồng; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng thay thế nhằm hạn chế tình trạng tái trồng cây cần sa, tiến tới xóa bỏ và thay thế cây chứa chất ma túy bằng các loại cây trồng khác tại địa phương.