Làm nhiều việc thiện

02:08, 30/08/2011

Công việc như đã trở thành lệ thường, cứ 6 giờ sáng mỗi ngày, chị Trần Thị Phương và chị Lê Thị Mỹ Khoa (ở thị trấn Di Linh) cùng nhau chuyên chở 2 thùng cháo đến Bệnh viện Di Linh. Hai chị niềm nở chuyển từng bát cháo thịt thơm phức, còn nóng hổi đến tận tay từng người bệnh với lời mời dịu dàng.

Công việc như đã trở thành lệ thường, cứ 6 giờ sáng mỗi ngày, chị Trần Thị Phương và chị Lê Thị Mỹ Khoa (ở thị trấn Di Linh) cùng nhau chuyên chở 2 thùng cháo đến Bệnh viện Di Linh. Hai chị niềm nở chuyển từng bát cháo thịt thơm phức, còn nóng hổi đến tận tay từng người bệnh với lời mời dịu dàng. Hai chị không phải là người bán cháo rong, mà là đại diện các chị trong “Tổ cháo tình thương” đến với bệnh nhân nghèo bằng tất cả những tấm lòng.

Y sĩ Nguyễn Thị Loan Dung công tác tại Bệnh viện Di Linh đã khá lâu. Ở đây, chị đã chứng kiến bao nỗi buồn của những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Từ đó, theo lời Loan Dung kể, chị đã cùng với một số chị em tiểu thương tại chợ Di Linh có “sáng kiến” thành lập Tổ cháo tình thương để làm từ thiện; ngày ngày nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Di Linh. Tổ cháo bắt đầu đi vào hoạt động kể từ ngày 11/3/2004.
 
Thùng tiền từ thiện tại Bệnh viện Di Linh
Thùng tiền từ thiện tại Bệnh viện Di Linh

Để có tiền mua gạo, thịt, gia vị… nấu cháo, các chị đã lập 2 thùng tiền “vì bệnh nhân nghèo” (1 đặt tại chợ Di Linh và 1 đặt tại bệnh viện). Ngoài ra, các chị còn đi vận động, quyên góp các “mạnh thường quân” giúp đỡ gạo hoặc tiền. Trong thời gian đầu, do quyên góp chưa đủ, các chị còn bỏ tiền túi phụ thêm để hàng ngày nấu trên dưới 40 suất cháo đem đến bệnh viện giúp bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị. Bình quân mỗi ngày nấu cháo với số lượng 2 kg gạo và 1 kg thịt… chi phí khoảng 150.000 đồng.

Tổ cháo tình thương không đông lắm, chỉ có vài chị em. Trong đó, chị Nguyễn Thị Loan Dung, chị Lê Thị Mỹ Khoa, bà Võ Thị Thành (mẹ chị Khoa), chị Nguyễn Thị Huê, chị Nguyễn Thị Quỳnh, chị Trần Thị Phương… xứng tầm là những người chị, người mẹ đã vất vả, âm thầm và công việc cứ lặng lẽ trôi qua. Các chị phân công, thay nhau đảm trách từng công việc. Chị đi xin tiền, xin gạo; chị thì lo nấu nướng; chị thì lo chuyển cháo đến bệnh viện… Nhờ vậy, mỗi sáng, dù nắng, dù mưa, những bát cháo tình thương cho đến bây giờ vẫn cứ đều đặn làm ấm lòng người bệnh.

Cùng đồng hành với Tổ cháo tình thương, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Di Linh cũng đã vận động, quyên góp và tham gia nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo tại bệnh viện. Mỗi tuần, Hội Chữ thập đỏ thị trấn đảm trách 3 ngày (thứ 6, 7 và chủ nhật) và Tổ cháo đảm trách 4 ngày (thứ 2, 3, 4 và 5). Sau nhiều năm duy trì liên tục, gần đây, Hội Chữ thập đỏ thị trấn tạm thời gián đoạn, riêng Tổ cháo vẫn tiếp tục nấu cháo phục vụ bệnh nhân nghèo mỗi tuần 4 ngày như trước đây. Ngoài việc phục vụ cháo vào buổi sáng, nếu những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Tổ cháo còn hỗ trợ mỗi ngày thêm 2 hộp cơm (vào buổi trưa và buổi tối).

Bên cạnh việc làm từ thiện nói trên được nhiều người hoan nghênh, các chị trong Tổ cháo tình thương còn xin một khoảnh đất tại Khu Điều trị phong Di Linh để chôn cất những thai nhi do nạo hút hoặc sẩy thai. Theo các chị, trước đây, mỗi lần nạo hút (do nhiều lý do) hoặc sẩy thai, không ít người đã vô tình hoặc hữu ý đã vứt thai nhi bừa bãi hoặc bỏ vào sọt rác… Việc làm đó, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa thiếu đạo đức. Do đó, các chị tìm mọi cách để xin thai nhi về và đưa vào tiểu sành để chôn và xây cất theo từng ô nhỏ tại một khu riêng. Chị Nguyễn Thị Loan Dung cho biết: Từ khi triển khai 23/4/2009 đến nay, các chị đã chôn cất được 735 thai nhi do nạo hút hoặc sẩy thai. Tất cả các chi phí, các chị đều xin tài trợ và làm công từ thiện. Ngoài ra, các chị trong Tổ cháo tình thương còn là những thành viên nòng cốt trong việc vận động và hăng hái tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo. Theo chị Loan Dung: “Các chị trong tổ đều có cùng một suy nghĩ, nếu không làm được điều gì lớn lao, thì ít nhất trong cuộc đời mình cũng cần làm được điều gì đó có ích cho xã hội, cho cộng đồng, cho dù nó là nhỏ nhất!”.

XUÂN LONG