Gần 40 năm trôi qua, đèo Bảo Lộc không còn tiếng đạn bom gầm rú và chất độc hủy diệt núi rừng. Nhưng máu và ý chí sắt đá giữ nước của đồng bào Kinh, Thượng, đã góp phần làm cho con đường thêm ngoạn mục.
Đèo Bảo Lộc |
Sau ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ban Chỉ huy Quân sự Nam Trung bộ nhận định quân Nhật sẽ chiếm Đồng Nai Thượng qua đường 20 nên đã điều bộ đội Mười Mè và vận động thủ lĩnh K’hor ở Lộc Sơn là ông K’Kíu trấn giữ đường đèo. Lúc bấy giờ, trung đội chỉ có vài khẩu súng (chiến lợi phẩm còn lại), cung tên, giáo mác. Ông K’Kíu là culi làm đèo Bảo Lộc, biết rõ vị trí nguy hiểm ở các tuyến đường cua tay áo. Vì vậy, ông đã vận động bà con dân tộc K’hor của mình cùng với bộ đội Mười Mè chất đá và gỗ rừng cột trên đỉnh đồi, nơi có thể trực tiếp đổ xuống đường đèo và dùng hệ thống báo động bằng cách buộc các lon sữa bò (cách nhau 100m) kéo dài từ chân đến đầu đèo.
Đúng như nhận định, vào lúc 15 giờ ngày 11/11/1945, người Nhật đưa quân chiếm tỉnh Đồng Nai Thượng. Dẫn đầu là xe bọc thép cùng với 40 xe quân sự chở 300 lính. Đợi quân Nhật vào ổ phục kích, ông Mười Mè ra hiệu lệnh giật lon báo động. Từ trên cao, trận mưa gỗ, đá, lửa và cung tên lao thẳng xuống đường đèo cùng với tiếng reo hò, tạo thành một thế trận hỗn loạn. Trận ấy, nhiều lính Nhật bị tiêu diệt. Tuy nhiên, là một quân đội viễn chinh nhà nghề, quân Nhật đã đánh bọc hậu. Không chống đỡ nổi, Trung đội trưởng Mười Mè hy sinh cùng với 20 đồng đội Kinh, Thượng. Ông K’Kíu sau này bị Pháp bắt. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, hăm dọa, nhưng vẫn không mua chuộc được người thủ lĩnh K’hor tài trí này. Cuối cùng người Pháp đã bắn công khai tại thủ phủ Di Linh. Trước pháp trường, ông dõng dạc tuyên bố: “Tao không sợ chết! Tao chết nhưng đồng bào của tao còn sống tiếp tục đánh mày! Tao chết trước, mày sẽ chết sau!”…
Chiến công đường đèo năm 1945, ngoài quyết tâm giành độc lập dân tộc, còn thể hiện tinh thần đoàn kết chung lưng đấu cật giữa Kinh - Thượng. Điều ấy lại được tiếp nối trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Bên cạnh những chiến công, đường đèo còn lưu lại những kỳ tích của các nhà tư sản dân tộc đã tiếp tế lương thực, thuốc men cho quân giải phóng bằng xe tải, góp công góp của vào công cuộc giải phóng miền Nam.
Gần 40 năm trôi qua, đèo Bảo Lộc không còn tiếng đạn bom gầm rú và chất độc hủy diệt núi rừng. Nhưng máu và ý chí sắt đá giữ nước của đồng bào Kinh, Thượng, đã góp phần làm cho con đường thêm ngoạn mục. Đoạn đường đầy cua tay áo này cũng là “nhân chứng” đối với những cư dân địa phương thời bao cấp, vì cơm áo đời thường đã bó trong người vài ký trà, vài ký cà phê đêm đêm len lỏi xuống đường đèo. Để rồi khi đất nước chuyển sang thời đổi mới cũng những con người ấy lại nhìn thấy trên đường đèo, hàng triệu lượt xe chở đầy hoa tươi, rau quả, trà, cà phê xuống tận miền xuôi. Rồi từ miền hạ chở xi măng, sắt thép… và ánh sáng văn minh lên miền thượng.
Hiện nay đường đèo được mở rộng thêm ra, có hàng rào bảo vệ và kính lõm chiếu đường. Hàng ngày, biết bao lượt xe và người lên xuống nhìn cảnh đèo thơ mộng, được hít thở không khí cao nguyên se lạnh, chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Không biết trong họ có ai còn nhớ 400 culi ngày đêm mở đường; những con người nằm xuống không mộ chí. Có ai nghe được tiếng reo hò của người xưa như vẫn râm ran giữa rừng núi đại ngàn…