Những lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch tuy không thể biến số “0” thành số “9, 10” nhưng có thể biến những điều chưa biết thành sự hiểu biết, các nghiệp vụ đã biết trở nên mềm mại và dễ áp dụng hơn.
Phòng thực hành nghiệp vụ lễ tân tại Trung tâm Đào tạo nghề khách sạn - nhà hàng (Đại học Yersin) |
Một giờ học thực hành của lớp Nghiệp vụ bàn (Trung tâm Đào tạo nghề du lịch Nhà hàng - Khách sạn, Đại học Yersin) diễn ra khá sinh động. Các bàn ăn theo hai phong cách Á, Âu được sắp đặt đúng chuẩn, sang trọng và đem đến không khí của những buổi tiệc thực sự. Kỹ năng xếp bàn, cách phục vụ của nhân viên sao cho phù hợp với món ăn, khẩu vị, phong cách của bữa ăn, yêu cầu của thực khách được giảng viên truyền đạt chi tiết. Những tình huống nảy sinh và ứng xử tình huống liên tiếp được đưa ra để cùng thảo luận, bàn ăn trong lớp học gần như trở thành bữa tiệc tại nhà hàng.
Đến với các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch hiện có những cánh cửa rất rộng mở tại thành phố du lịch Đà Lạt với 5 địa chỉ đào tạo: Trường Đại học Đà Lạt, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Trung cấp Du lịch Đà Lạt và Đại học Yersin. Trong đó, Trung tâm Đào tạo nghề du lịch thuộc Đại học Yersin là đối tác chính thức được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kể từ năm 2011. Với lực lượng lao động du lịch đã qua đào tạo hiện chiếm trên 40% tổng số lao động, nhu cầu đến các lớp học nghề, các khóa đào tạo hiện rất lớn tại Đà Lạt. Đến với lớp học là nhu cầu và yêu cầu thường xuyên để cập nhật các kỹ năng mới, đón nguồn du khách đa dạng đến từ nhiều nơi, nhiều nền văn hóa, nhiều nhu cầu vui chơi và nghỉ dưỡng. Anh Lê Hồng Thanh - Quản lý khách sạn La Sapinette cho rằng khi tiếp cận được với các lớp dạy học nghiệp vụ du lịch đạt chuẩn, người học sẽ có được sức bật thực sự để nắm bắt các nghiệp vụ hiện đại, thoát khỏi tình trạng biết nhiều nghiệp vụ nhưng không biết sâu và không chuẩn. Tầm cao ấy của các lớp đào tạo quyết định đến sự phát triển của du lịch nói chung và của các khách sạn nói riêng.
Hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng với chức năng quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy sự chuẩn hóa nghiệp vụ, đã chủ trì tổ chức khá nhiều lớp đào tạo thông qua các đối tác là các đơn vị đào tạo. Xác định vị trí quan trọng của cơ sở đào tạo trong chiến lược phát triển du lịch, nguồn kinh phí của một số chương trình hỗ trợ trong và ngoài nước đã đến với các trường để xây dựng cả cơ sở vật chất và con người. Với riêng Trung tâm Đào tạo nghề của Đại học Yersin đã nhận được hai nguồn hỗ trợ từ tổ chức DANIDA (Đan Mạch) và Chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, hệ thống cơ sở vật chất tại đây khiến đại diện các đơn vị hoạt động du lịch bất ngờ bởi tính mới mẻ, sang trọng, chất lượng cao theo đúng tính chất đòi hỏi của hoạt động du lịch. Đồng thời, Lâm Đồng hiện có khoảng 20 đào tạo viên về thực hành đã được trải qua các khóa huấn luyện của Dự án EU về đào tạo nguồn nhân lực đứng lớp để truyền đạt các bài học mà họ đã trải nghiệm, đã đúc kết từ thực tiễn nhiều năm sống, cọ xát, lao động và một điều nữa quan trọng không kém là nhiệt huyết, là “lửa nghề” để đến với học viên.
Một học viên đang theo học một lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho biết đã đến với nghề xuất phát từ tiềm năng du lịch của Đà Lạt và khả năng có việc làm cao nên đã đăng ký đi học. Trước đó, em nghĩ về nghề du lịch như một sự hào nhoáng rồi trải qua lớp học để thấm được tinh thần của du lịch là dịch vụ, là thấu hiểu tâm lý và đem đến sự hài lòng cho du khách thông qua các dịch vụ.
Nâng cao chất lượng cho nguồn lao động đặc thù của ngành du lịch tại một địa phương đặc thù như Đà Lạt - Lâm Đồng bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghiệp vụ, du lịch Lâm Đồng đang đi từ phần nền móng để xây dựng công trình luôn đòi hỏi tính liên tục và dài lâu.
Lăng Khải Định - Huế |