Nghị lực da cam

03:08, 04/08/2011

Nỗi đau do di chứng chất độc hóa học cũng không thể dập tắt khát vọng vươn lên của những thân thể tật nguyền và những mảnh đời bất hạnh. Bằng nghị lực và lòng khát khao, họ vẫn lặng lẽ, từng ngày nỗ lực vươn lên, hòa nhập cuộc sống cộng đồng, để sống có ích. Chị Đinh Thị Phương, thường trú tại đường Lý Thường Kiệt, phường II (thành phố Bảo Lộc) là một trong những điển hình.

Nỗi đau do di chứng chất độc hóa học cũng không thể dập tắt khát vọng vươn lên của những thân thể tật nguyền và những mảnh đời bất hạnh. Bằng nghị lực và lòng khát khao, họ vẫn lặng lẽ, từng ngày nỗ lực vươn lên, hòa nhập cuộc sống cộng đồng, để sống có ích. Chị Đinh Thị Phương, thường trú tại đường Lý Thường Kiệt, phường II (thành phố Bảo Lộc) là một trong những điển hình.
   
Sinh năm 1976, nhưng do bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc hóa học từ cha, nên đến bây giờ, mặc dù đã bước qua tuổi 35, chị Đinh Thị Phương vẫn không thể lập gia đình và hiện đang sống chung với cha mẹ. Những lúc cơn đau tái phát, tay chân co giật, không tự chủ được hành động của mình, chị cần đến sự hỗ trợ của cha mẹ. Chia sẻ về cuộc sống và căn bệnh của chị, gia đình cho biết từ khi mới vừa chào đời, Đinh Thị Phương rất ốm yếu, da vàng như nghệ, bệnh tật triền miên, suốt thời thơ ấu của Phương gần như gắn liền với bệnh viện và thuốc. Sau 6 tháng điều trị liên tục tại bệnh viện, Phương được trở về nhà, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, bệnh co giật tái phát. “Mặc dù đã chạy chữa rất nhiều nơi, đến nhiều thầy thuốc giỏi, nhưng bệnh không thuyên giảm, chứng co giật vẫn thường xuyên hành hạ Phương, nhất là vào ban đêm hoặc những khi trái gió trở trời” - bà Nguyễn Thị Phú, mẹ Phương, cho biết.
   
Suốt 36 năm qua, dù phải đối mặt với đau đớn, bệnh tật, nhưng với tình yêu thương của gia đình, sự quan tâm của xã hội và sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, Đinh Thị Phương đã vượt qua đau đớn thể xác, từng bước hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Năm 2005, theo lời giới thiệu và động viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, Đinh Thị Phương  theo học khóa thêu 4 tháng. Việc học thêu vốn đòi hỏi kỹ năng và sự tỉ mỉ, với một người bình thường, học thêu đã khó, còn với một người tàn tật, thần kinh yếu, công việc này thì chẳng dễ dàng chút nào. Thế nhưng, Phương quyết tâm học nghề cho kỳ được, với hy vọng là có thể tự làm được một việc gì đó có ích. Học ngày, học đêm, mày mò từng đường kim mũi chỉ, đến đầu năm 2006, Phương hoàn thành khóa học và tự thêu được những bức tranh đơn giản.
        
Niềm vui như được nhân lên gấp nhiều lần, khi năm 2008, Phương bán được bức tranh đầu tiên cho một du khách Tây Ban Nha, qua chuyến thăm nạn nhân da cam tại thành phố Bảo Lộc. Sáu năm gắn bó với nghề thêu, Phương đã cho ra đời trên 50 tranh thêu có ý nghĩa; trong đó, có những bức đã được triển lãm tại Đại hội Nạn nhân da cam tỉnh Lâm Đồng và toàn quốc. Không chỉ bán tranh cho khách hàng trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, mà tranh của Phương còn được xuất sang Canada, Tây Ban Nha với số lượng khoảng vài chục tranh thêu lớn, nhỏ. Con số này có thể là không lớn đối với một thợ thêu bình thường, nhưng với Phương thì quả là một nghị lực rất đáng trân trọng.
BÍCH HỒNG