Nhùng nhằng chuyện giao rừng cho cộng đồng

04:08, 14/08/2011

Lần đầu tiên, huyện Bảo Lâm giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú quản lý theo chủ trương cuả UBND tỉnh. Thế nhưng, khi triển khai đã phát sinh những chuyện cần phải được đề cập!

Lần đầu tiên, huyện Bảo Lâm giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú quản lý theo chủ trương cuả UBND tỉnh. Thế nhưng, khi triển khai đã phát sinh những chuyện cần phải được đề cập!

XÃ LỘC PHÚ GIAO RỪNG CHO AI?

Ngày 11/8/2010, UBND xã Lộc Phú đã có tờ trình xin giao rừng cho cộng đồng dân cư trên địa bàn xã. Theo đó, UBND xã Lộc Phú xin giao cho 15 hộ dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương với tổng diện tích đất là 225 ha tại tiểu khu 438A và 439. Đây là diện tích rừng đã giao khoán cho Công ty TNHH Mỹ Hồng, nhưng đã được UBND tỉnh thu hồi từ tháng 9/2009. Hiện nay, diện tích này do Ban quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý. Ngày 31/12/2010, UBND tỉnh đã “đồng ý chủ trương giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm; giao cho UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị liên quan hướng dẫn cộng đồng dân cư lập hồ sơ, thủ tục giao rừng theo đúng quy định, để sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và hưởng lợi theo quy định”. UBND tỉnh cũng yêu cầu phải thực hiện xong việc giao rừng này trong tháng 2/2011.

 Rừng tại tiểu khu 439 đã bị chặt hạ!
Rừng tại tiểu khu 439 đã bị chặt hạ!
Đến đầu tháng 4/2011, khi diện tích đất nói trên “biến” vào tay một số người có thân thế thì người dân mới biết. Ông Đỗ Danh Thuận (thôn 4, xã Lộc Phú) phản ánh: “Chủ trương giao rừng người dân không hề biết! Xã không phổ biến rộng cho dân, mà “bật đèn xanh” cho một số người tự lập danh sách khống! Danh sách này gồm 8 hộ và ông Nguyễn Đức Dạo đứng ra làm đại diện cho cộng đồng dân cư thôn 4 (!?). Bản thân ông Dạo và nhiều người có tên trong danh sách đều là người thân của những cán bộ UBND xã Lộc Phú, thậm chí có người không có hộ khẩu thường trú tại địa phương cũng được chia đất!”. Còn ông Hứa Văn Tặng – Trưởng thôn 4, cho biết: “Bản thân tôi là trưởng thôn, nhưng không hề biết chủ trương giao rừng cho cộng đồng. Ngay cả cuộc họp cộng đồng khu dân cư vào ngày 10/8/2010 để thông qua danh sách xin nhận rừng, tôi cũng không được tham dự. Mãi đến cuối tháng 7/2011, khi tiếp xúc với cử tri, tôi mới biết chủ trương này. Nhưng lúc đó, đất rừng đã được chia năm, xẻ bảy vào tay con cháu cán bộ UBND xã Lộc Phú. Người dân thôn 4 kiến nghị UBND huyện Bảo Lâm xem xét lại để giao rừng cho đúng đối tượng và phải xử lý nghiêm những người tham ô đất rừng và những cán bộ xã làm sai!”.
             
VÀ AI BIẾT KHI GIAO RỪNG?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Châu - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Phú, khẳng định: “Bản thân tôi là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, nhưng chưa biết chủ trương giao rừng cho cộng đồng quản lý. Theo quy trình, khi xã làm tờ trình xin ý kiến UBND huyện thì phải thông qua Đảng ủy và thường trực 4 bên. Khi UBND tỉnh và huyện đồng ý, cho chủ trương, thì Đảng ủy xã cũng phải biết. Ngược lại, UBND xã không xin ý kiến và cũng không báo cáo với Đảng ủy. Việc giao nhận rừng cho cộng đồng là do UBND xã tự làm, tự ký và tự giải quyết. Đến khi người dân có đơn kiện thì tôi mới biết!”. 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, ngày 5/4/2011, Ban quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm và đại diện UBND xã Lộc Phú đã tiến hành bàn giao tạm thời diện tích và hiện trạng rừng cho cộng đồng thôn 4. Ông Nguyễn Đức Dạo vẫn là người đại diện cho cộng đồng dân cư thôn 4 (10 hộ dân) để nhận bàn giao (?!). Theo đó, vị trí khu vực giao đất, giao rừng thuộc một phần khoảnh 2, 3, 6, 7 (tiểu khu 438A) và khoảnh 3, 4, 5, 6 (tiểu khu 439) nằm trên địa giới hành chính xã Lộc Phú. Tổng diện tích bàn giao là hơn 202 ha, trong đó có 187 ha đất có rừng và hơn 15 ha đất không có rừng.

Theo biên bản bàn giao, “trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục chính thức, cộng đồng dân cư không được tự ý tác động làm thay đổi hiện trạng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Mọi hiện tượng vi phạm lâm luật xảy ra trên diện tích được giao thì cộng đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi nhận bàn giao tạm thời, những người có tên trong danh sách đã tùy tiện đốn hạ cây rừng và trồng cây nông nghiệp lên phần đất này!

Ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, lại cho rằng: “Đây chỉ là hình thức giao khoán quản lý, bảo vệ hàng năm để người dân được hưởng phí bảo vệ môi trường, chứ không phải giao rừng cộng đồng theo chủ trương của UBND tỉnh. Hiện nay, UBND huyện chưa giao rừng cộng đồng cho ai cả! Diện tích mà Hạt Kiểm lâm đề xuất giao cho cộng đồng dân cư thôn 4 (xã Lộc Phú) phần lớn là đất có rừng. Do đó, chúng tôi phải yêu cầu bà con xây dựng phương án chăm sóc và bảo vệ rừng. Khi xây dựng được phương án thì chúng tôi mới giao rừng!”. Ông Triệu cũng khẳng định: “Nếu có việc giao rừng cộng đồng không đúng đối tượng, chúng tôi sẽ kiên quyết thu hồi và  xử lý vi phạm!”. 

Việc giao rừng cho cộng đồng dân cư là chủ trương mới của UBND tỉnh Lâm Đồng và lần đầu tiên triển khai tại huyện Bảo Lâm. Người dân nghèo, thiếu đất sản xuất sẽ được giao rừng để họ có điều kiện cải thiện đời sống.  Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (ngày 25/8/2010) gởi UBND huyện Bảo Lâm lại nêu rõ: “Cộng đồng đăng ký nhận rừng gồm 12 hộ, có hộ khẩu thường trú tại xóm 5, thôn 4, xã Lộc Phú (có biên bản họp cộng đồng và danh sách kèm theo). Những hộ này đều không thuộc đối tượng thiếu đất sản xuất, nhưng có điều kiện về lao động để thực hiện việc nhận rừng, chăm sóc và quản lý bảo vệ”.

Có thể nhận thấy, danh sách nhóm hộ trong cộng đồng nhận rừng không nhất quán trong các văn bản. Mặc dù văn bản nào cũng nêu “có danh sách kèm theo” nhưng danh sách này lại không được công bố cụ thể. Như vậy, việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4 đến nay vẫn chưa rõ ràng. Việc giao như thế đúng hay sai và trách nhiệm thuộc về ai cần được UBND huyện Bảo Lâm làm rõ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
 
HỮU SANG