Thực hiện Luật của nhà nước, không phải cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng chấp hành nghiêm túc, dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng có chiều hướng gia tăng, cần phải có biện pháp hữu hiệu, kiên quyết mới tháo gỡ được.
Năm 2007, Nhà nước ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động. Thế nhưng, thực hiện Luật của nhà nước, không phải cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng chấp hành nghiêm túc, dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng có chiều hướng gia tăng, cần phải có biện pháp hữu hiệu, kiên quyết mới tháo gỡ được.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Năm 2010, trước thực tế “báo động” về tình trạng nợ BHXH tăng cao gây khó khăn cho người lao động và hoạt động chi trả của BHXH tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã “vào cuộc”. Qua khảo sát, Ban đưa ra một số thông tin đáng quan ngại như sau: Trong năm, tổng số lao động trên địa bàn tỉnh phải tham gia BHXH bắt buộc là 67.643 người, chỉ có 66.569 người tham gia BHXH với số tiền thu được 340.398 triệu đồng, có đến 1.074 lao động trong 143 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tham gia đóng BHXH với số tiền 4.945 triệu đồng. Mặt khác, tính đến tháng 12/2010, có đến 1.180 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH số tiền 21 tỷ 883 triệu đồng, trong đó có 811 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ gối đầu từ 1 tháng trở xuống, với số tiền 8 tỷ 380 triệu đồng; 265 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ gối đầu từ 1 đến 6 tháng, với số tiền 8 tỷ 464 triệu đồng; 77 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ gối đầu trên 6 tháng, với số tiền 4 tỷ 611 triệu đồng; 27 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khó có khả năng thu được nợ BHXH, với số tiền 429 triệu đồng. Trong lúc những tồn đọng của năm 2010 chưa khắc phục xong thì bước sang những tháng đầu năm 2011, tình trạng nợ BHXH lại có chiều hướng gia tăng, càng chồng chất thêm khó khăn cho người lao động và hoạt động chi trả của BHXH tỉnh. Cụ thể: Trong 7 tháng đầu năm 2011, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh lên đến 64 tỷ 651 triệu đồng, chiếm 9,06% kế hoạch phải thu các loại bảo hiểm trong năm 2011. Trong đó, nợ BHXH bắt buộc 32 tỷ 556 triệu đồng, trong đó nợ từ 2 đến 6 tháng 15 tỷ 802 triệu đồng, nợ từ 6 tháng trở lên 6 tỷ 738 triệu đồng; nợ BHYT 28 tỷ 711 triệu đồng; nợ BHTN 3 tỷ 384 triệu đồng (sở dĩ nợ BHTN thấp do mới triển khai và có quy định khắt khe: những đơn vị sử dụng 10 lao động và có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên mới phải tham gia). Điển hình như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động: XN Nguyên liệu giấy Lâm Đồng, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, Công ty CP Cơ khí giao thông Lâm Đồng, Chi nhánh Công ty CP SCAVI tại Lâm Đồng, Công ty TNHH sản xuất - chế biến nông sản Địa Cầu, Công ty CP BOT Quốc lộ 20, Chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi - Đà Lạt, Công ty TNHH phát triển Nguyễn Gia, Công ty TNHH Hùng Dũng, Công ty TNHH PH Đà Lạt, UBND xã Đà Loan - Đức Trọng, Trường Mầm non Hoàng Anh - Đức Trọng, Công ty TNHH Bình Dương - Đức Trọng, Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam – Di Linh, Công ty TNHH Bá Thiên - Bảo Lộc, Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương - Bảo Lộc, Công ty sản xuất lụa tơ tằm Bảo Lộc (VIKOTEX), Công ty KIMONO Japan - Bảo Lộc, Công ty CP Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng, Phòng Công thương Bảo Lâm, Đài TT-TH Bảo Lâm, Trường TH Lộc Ngãi A - Bảo Lâm, Công ty CP Chè Minh Rồng - Bảo Lâm, Công ty CP cao su Bảo Lâm, UBND xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Trường THCS Phước Cát 1, huyện Cát Tiên…
Ông Huỳnh Tân Chỉ - Phó Giám đốc BHXH Lâm Đồng cho biết, trước thực trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng, một mặt BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trả nợ, mặt khác làm văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo xử lý những trường hợp nợ tiền bảo hiểm kéo dài dây dưa. Đặc biệt, sau khi có kết quả khảo sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan như LĐ-TBXH, LĐLĐ tỉnh, UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt tăng cường công tác phối kết hợp với BHXH tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng lao động thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHTN; kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc thực hiện nghĩa vụ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngay cả khi chúng tôi có cuộc làm việc với BHXH tỉnh vào hạ tuần tháng 8-2011, một đoàn kiểm tra liên ngành cũng đang triển khai việc thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng đã tiến hành xử phạt nợ chậm trả BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị sử dụng lao động. Những việc làm đó đã cải thiện được phần nào tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN, nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ và chấm dứt được tình trạng nợ nần kéo dài, dây dưa và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, theo chúng tôi, đã có luật của Nhà nước thì phải tôn trọng, thực hiện nghiêm, đúng luật, đúng đối tượng, nên ngoài việc tuyên truyền vận động để các đơn vị sử dụng lao động tự giác chấp hành luật pháp, cũng cần phải có chế tài thưởng - phạt nghiêm minh, buộc các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp phải chấp hành luật BHXH, BHYT, BHTN một cách nghiêm minh, triệt để. Theo đó, theo luật định, BHXH tỉnh ngoài việc có hình thức khen thưởng những đơn vị sử dụng lao động có tinh thần tự giác chấp hành Luật BHXH, BHYT, BHTN cao, đạt kết quả tốt, cần phải kiện ra tòa án những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ nần tiền bảo hiểm dây dưa kéo dài, hoặc cố tình không thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với đó, cần có sự xem xét tình hình thực tế của từng đơn vị sử dụng lao động một cách cụ thể, chặt chẽ để có sự tuyên truyền, vận động, đôn đốc và xử lý hợp tình, hợp lý, nhằm từng bước hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng nợ tiền bảo hiểm có chiều hướng gia tăng hiện nay.