Nỗi lo bệnh tay chân miệng vào năm học mới

01:08, 08/08/2011

Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng vừa tổ chức tập huấn và hội thảo phòng chống bệnh tay chân miệng cho cán bộ 2 ngành Y tế và Giáo dục. Dự báo trong thời gian tới bệnh này có khả năng bùng phát thành dịch.

Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng vừa tổ chức tập huấn và hội thảo phòng chống bệnh tay chân miệng cho cán bộ 2 ngành Y tế và Giáo dục. Dự báo trong thời gian tới bệnh này có khả năng bùng phát thành dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng cho biết: Tính từ đầu năm đến ngày 3/8, toàn tỉnh đã có 264 ca bệnh tay chân miệng. Đó là thống kê chưa đầy đủ, vì nhiều ca bệnh điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Tình hình mắc bệnh này tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 (tăng 165%), tập trung chủ yếu tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, có khả năng bùng phát thành dịch. Qua giám sát ca bệnh, đến nay hầu hết các huyện đều có trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chưa ghi nhận ca bệnh tay chân miệng có biến chứng thần kinh và chưa có ca tử vong nào. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em chiếm hơn 85%.

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng tăng từ tháng 4 đến nay, có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, chưa phát hiện được ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế, nhiều ca bệnh rải rác ở các địa phương khó khăn cho công tác xử lý dịch bệnh và ngăn chặn sự gia tăng số ca bệnh. Chưa có điều tra đầy đủ về yếu tố dịch tễ học, yếu tố lây nhiễm và lan truyền, chưa có biện pháp phát hiện người lành mang trùng là nhân tố quan trọng làm lây lan bệnh.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi-rút đường ruột gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như: niêm mạc miệng. lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hàng năm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Theo BS Phúc, nhiều phụ huynh khó phát hiện ra bệnh của trẻ, nếu không chú ý kỹ các triệu chứng lâm sàng. Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày. Khởi phát từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình: loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi) gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông tồn tại dưới 7 ngày  sau đó để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hoặc bội nhiễm; sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng, biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 - 5 của bệnh. Giai đoạn lui bệnh: từ 3-5 ngày sau trẻ hồi phục hoàn toàn, nếu không có biến chứng.

UBND tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh. Giao cho Sở Y tế tổ chức giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tích cực, kịp thời; thành lập các đội chống dịch cơ động để tập trung xử lý triệt để ổ dịch, đặc biệt tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, cơ sở trông giữ trẻ tại cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng tổ chức việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh để hạn chế tử vong. Các Sở Thông tin - Truyền thông, Giáo dục - Đào tạo và UBND các huyện, thành phố  phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền kiến thức và biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cho nhân dân, phụ huynh, học sinh, giáo viên.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu, cách phòng bệnh ở cộng đồng là: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhà cửa thông thoáng; che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện không để vi-rút lây lan. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như: rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao thì phải đến ngay cơ sở y tế điều trị kịp thời. Cách ly trẻ bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi đông người trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
AN NHIÊN