Phong cách Đà Lạt

03:08, 18/08/2011

Có thể nói, hai tiếng Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm thức và là niềm tự hào không chỉ của người Lâm Đồng - Đà Lạt, mà còn của cả nước; một vùng khí hậu ôn đới, một nơi nghỉ dưỡng trong lành, đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn.

Để hình thành phong  cách của một vùng  đất, phải hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội… Đà Lạt là một vùng đất như thế, có đầy đủ các yếu tố tinh thần, vật chất và nhiều yếu tố nội sinh, ngoại giới khác nữa. Tuy nhiên, khái niệm phong cách vẫn còn là một điều tế nhị để nói về Đà Lạt - một thành phố cao nguyên có trên 115 năm hình thành và phát triển. Đến nay có thể nói, hai tiếng Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm thức và là niềm tự hào không chỉ của người Lâm Đồng - Đà Lạt, mà còn của cả nước; một vùng khí hậu ôn đới, một nơi nghỉ dưỡng trong lành, đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn.

Vậy thì phong cách Đà Lạt là gì? Đã có nhiều người tìm cách trả lời. Đã có nhiều nghiên cứu sâu sắc qua các giai đoạn lịch sử… nhưng vẫn chưa có tiếng nói đồng nhất. Nếu cho rằng phong cách Đà Lạt là hiền hòa, thanh lịch và mến khách thì trên đất nước chúng ta nơi nào chẳng có ba đặc điểm ấy, nhất là Hà Nội. Đó là phẩm chất quý báu của người Việt Nam bao đời nay, chứ đâu phải của riêng người Đà Lạt. Còn nếu nói phong cách Đà Lạt là sự pha trộn của nhiều nhóm cư dân từ Bắc, Trung, Nam, trong đó có ảnh hưởng không nhỏ của một bộ phận người Pháp, thì cũng đúng; nhưng còn văn hóa, tập tục của người bản địa ở đâu? Như vậy, vô hình trung đã có một phong cách Đà Lạt, dễ cảm nhận, dễ gần gũi đấy, nhưng không dễ gọi tên. Tôi đã làm một cuộc tìm hiểu nhỏ thôi, nhưng kết quả là rất đáng ngạc nhiên. Thứ nhất là tìm hiểu qua văn học nghệ thuật (một số tác phẩm của văn nghệ sĩ Lâm Đồng mà tôi biết) và trao đổi trực tiếp với bạn bè văn nghệ. Thứ hai là hỏi han một số người Đà Lạt qua các nhóm cư dân chủ yếu, như người Hà Đông, người Huế, người Quảng, người Thanh Nghệ Tĩnh, người Nam bộ, người bản địa… Và thứ ba là du khách bất kỳ… Vì là tìm hiểu nhỏ có tính ngẫu hứng, nên không tiện trích dẫn. Tất cả họ đều có ý kiến riêng, không thể tổng hòa. Giới văn nghệ sĩ dĩ nhiên là ưa dùng những từ mộng mơ, xanh ngái, muộn màng, tĩnh lặng, yên ắng, thăng hoa, lắng đọng trong cảm xúc thẩm mỹ. Giới trí thức, công chức thì ưa sự bình lặng, ổn định không bon chen. Giới nông dân thì ưa sự chân chất, thực thà, thuần phác, trễ nải, an lành. Còn du khách thì đi tìm sự cô đơn, tĩnh lặng, vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Đặc biệt, người các dân tộc bản địa đang quay về nguồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người K’ho, hát dân ca và nhảy múa quanh ngọn lửa hồng. Tất cả những điều đó là gì, nếu không phải là sống chậm? Tôi không dám nói mình đã tìm được phong cách Đà Lạt, mà chỉ qua tìm hiểu, trao đổi, rút tỉa. Bất chợt tôi nghe hồn mình được réo gọi từ thiên nhiên. Thiên nhiên! Vâng, chính thiên nhiên chứ không ai khác đã làm nên phong cách Đà Lạt. Bởi ăn mặc, tư tưởng, ứng xử là do con người, nhưng sự tác động là do thiên nhiên. Nói một cách khác, thiên nhiên quyết định thể cách con người. Tiền nhân ta có câu: “Địa linh sinh nhân kiệt”. Quả đúng như vậy, thiên nhiên đã dự phần rất lớn làm nên phong cách con người Đà Lạt. Ông cha ta đến Đà Lạt, chịu ảnh hưởng của khí hậu Đà Lạt với nhiều mối tương quan quan trọng khác đã sinh ra nhiều thế hệ. Thế hệ hôm nay là sự chắt lọc của nhiều phẩm chất tốt đẹp, có tác động của thiên nhiên bao la và hùng vĩ. Có thể nói như vậy, bởi Đà Lạt tự nó là ôn hòa, tự nó là hiện thân của núi sông, thác suối kỳ thú, phong cảnh là kỳ hoa dị thảo, nên thơ. Có lẽ những điều kiện đó là môi trường trung thực, mật thiết nhất cho sự hun đúc một phong cách. Cho tôi tạm gọi là phong cách sống chậm. Sống chậm có nhiều ý nghĩa, nhưng cốt tủy là sống hòa hợp với thiên nhiên, để thiên nhiên làm nên trí tuệ thâm tĩnh, tâm tính thuần phác. Nếu làm phép đối sánh, ta sẽ thấy con người sống ở các thành phố công nghiệp, du lịch khác thường có tính quyết đoán và thiên về lý trí. Ngược lại, con người Đà Lạt tâm hồn khoan dung, dễ thiên về tình cảm, coi trọng ơn nghĩa hơn thù oán. Điều này thường thấy ở người dân tộc bản địa, họ mến khách và sẵn lòng chia sẻ thức ăn kiếm được, nhường cho khách chỗ ngủ ngon... Du khách đi tìm những giây phút sống chậm, còn người Đà Lạt đã có sẵn cả đời. Đà Lạt là thế, là nơi đem lại niềm vui cho người này và an lành cho người kia, chỉ có thể là nơi có một đời sống chậm. Theo tôi, nếu mất đi phong cách này thì người Đà Lạt sẽ chẳng còn là mình nữa. Vì vậy, giữ gìn phong cách sống chậm cũng là ra sức gìn giữ môi trường, bảo vệ thiên nhiên để thiên nhiên bảo vệ chúng ta và con cháu chúng ta mai sau…

Nếu nói không ngoa, thì đó là sự tiềm ẩn tinh tế của thiên nhiên và của hồn cốt dân tộc Việt trong mỗi con người Đà Lạt, được sinh ra, lớn lên và thừa hưởng…
NGUYỄN THÁNH NGÃ