Phòng chống lụt bão - không thể chủ quan

02:08, 14/08/2011

Trong 6 tháng đầu năm 2011, thiên tai (chủ yếu là mưa và lốc xoáy) cũng đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong tỉnh.

Tuy không nằm trong vùng thường xuyên chịu tác động của mưa bão như các tỉnh duyên hải miền Trung, nhưng hàng năm thiệt hại do mưa bão gây ra đối với Lâm Đồng cũng không hề nhỏ. Năm 2010, mưa bão đã làm 4 người chết và làm thiệt hại về vật chất trên 45,6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2011, thiên tai (chủ yếu là mưa và lốc xoáy) cũng đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong tỉnh.

a
Mưa bão đã gây thiệt hại không nhỏ đối với địa phương Lâm Đồng.
Ngày 26/3/2011, tại xã Lộc Thanh, mưa kèm theo lốc xoáy đã làm hư hỏng nặng nhà công vụ của Trường cấp I Lộc Thanh và làm tốc mái 7 căn nhà dân trong vùng. Ngày 17/4/2011, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm hư hỏng nặng nhà công vụ Trường THCS Đinh Trang Thượng và làm tốc mái 70 căn nhà dân, trong đó có 20 căn bị hư hỏng nặng. Cũng trong ngày 17/4, mưa kèm theo gió lốc đã làm thiệt hại hơn 2 ha hoa màu và làm gãy đổ hoàn toàn 2 ha cây lâm nghiệp… Tổng thiệt hại do mưa và lốc xoáy gây ra trong 6 tháng đầu năm  2011 ước tính trên 3,5 tỷ đồng.

Những con số thiệt hại được thống kê, báo cáo, hẳn nhiên đó là điều rất đỗi bình thường - thiên tai lũ lụt làm sao tránh được thiệt hại. Nhưng, đấy liệu là con số tối thiểu hay chưa? Trong phòng chống thiên tai, mục tiêu tối thượng là làm sao để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, trong số hơn 45 tỷ đồng thiệt hại do mưa bão gây ra trong năm 2010, thì thiệt hại do ảnh hưởng đập Đa Nhim xả lũ chiếm trên 40%, tương đương 18,795 tỷ đồng. Rõ ràng, đơn vị quản lý đập thủy điện Đa Nhim tiến hành xả lũ là việc không thể không làm. Nhưng, ở đây nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý đập thủy điện Đa Nhim với chính quyền địa phương (huyện Đơn Dương, Đức Trọng) - nơi chịu ảnh hưởng từ việc xả lũ thì chắc chắn con số thiệt hại sẽ được giảm thiểu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Nam Dương - Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) tỉnh Lâm Đồng cho biết, kế hoạch, giải pháp thực hiện công tác PCLB và TKCN năm 2011 đã được hoàn tất và đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, ban, ngành… Tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB và TKCN cấp tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo việc điều hành. Mặt khác, công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và nhân dân chú trọng, đặc biệt là vùng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt… Tuy nhiên, ông Dương cũng hết sức băn khoăn: “Hiện nay, hầu hết các danh mục dự án của kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đều chưa được bố trí vốn đầu tư. Cơ sở vật chất, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đã được quan tâm trang bị, bổ sung nhưng còn thiếu cả về số lượng và tính chuyên dùng. Công tác cảnh báo, dự báo về lũ quét, sạt lở đất chưa được đầu tư thích đáng; việc di dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chưa được chú trọng nên công tác phòng tránh gặp nhiều khó khăn. Công tác dự báo về diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị phòng chống và chỉ đạo ứng phó…”.

Dự báo nửa cuối năm 2011, tình hình thiên tai vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Trong điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện cứu hộ, cứu nạn của địa phương còn nhiều hạn chế, công tác PCLB và TKCN cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ trong ngày trong suốt mùa mưa bão. Thường xuyên kiểm tra các công trình, kịp thời phát hiện và tổ chức xử lý ngay các sự cố xảy ra. Các địa phương có công trình thủy lợi, thủy điện cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan của tỉnh để thống nhất các biện pháp cụ thể cho việc tích và điều tiết nước hợp lý… Mùa mưa bão đã gần kề. Công tác phòng chống lụt bão… không thể chủ quan.
 
LÊ HỮU TÚC