Phòng chống ung thư dễ hay khó?

03:08, 21/08/2011

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư đã triển khai được 4 năm. Ban đầu 6 tỉnh đến nay mở rộng ra 22 tỉnh, trong đó có Lâm Đồng mới đưa vào chương trình năm đầu tiên. Phòng chống ung thư là nhu cầu hết sức cần thiết của mỗi người.

Đây là câu hỏi mở cho chương trình phòng chống ung thư mới triển khai tại địa phương với lời giải đang còn ở phía trước. Về vấn đề này, TS Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư đã triển khai được 4 năm. Ban đầu 6 tỉnh đến nay mở rộng ra 22 tỉnh, trong đó có Lâm Đồng mới đưa vào chương trình năm đầu tiên. Phòng chống ung thư là nhu cầu hết sức cần thiết của mỗi người”.

* Chương trình phòng chống ung thư có tác động như thế nào trong thời gian qua?

Khảo sát về kiến thức, thực hành phòng một số bệnh ung thư tại cộng đồng của 12 tỉnh, thành với trên 12.000 người, kết quả chỉ có 35% trả lời đúng, 67% cho rằng ung thư không thể chữa được và gần 36% cho rằng khi bị ung thư đụng dao kéo sẽ càng chóng chết. Khảo sát thực trạng chẩn đoán, điều trị ung thư tại 63 bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu. Tình trạng phổ biến là thiếu trang thiết bị, nhân lực thiếu và yếu, 9 bệnh viện chưa có khoa giải phẫu bệnh và 10 bệnh viện tỉnh không điều trị bệnh nhân ung thư. Khảo sát giai đoạn bệnh ung thư tại 4 cơ sở điều trị ung bướu của cả nước thì tỉ lệ 55%-70% bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn.

* Thưa BS, tâm lý chung của người dân sợ khám phát hiện ra bệnh, nhất là sợ ung thư, vậy thì làm sao để tầm soát sớm?

Thực tế là vậy! Chúng ta có trách nhiệm làm sao cho người dân hiểu, không chỉ khám phát hiện ung thư, mà tất cả các bệnh đều cần khám phát hiện sớm. Mục tiêu từng bước giảm tỉ lệ mắc và chết do ung thư, tăng tỉ lệ phát hiện sớm để điều trị hiệu quả và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. Vì vậy, chương trình truyền thông bước đầu đi liên tục với chương trình phòng chống ung thư, quan trọng là truyền thông như thế nào, phù hợp với từng đối tượng, ngôn ngữ truyền thông dễ hiểu, làm sao cho người dân đến với y tế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thì chắc chắn sẽ phát hiện và can thiệp điều trị ung thư sớm.

Với Lâm Đồng 1 triệu dân không khác với các tỉnh khác về tình hình ung thư, tôi nghĩ rằng con số khoảng 1.500 bệnh nhân ung thư mỗi năm cũng là gánh nặng cho ngành y tế địa phương. Điều trị ung thư còn có nhiều khó khăn mặc dù thành tựu y học đã có nhiều phát triển, nhưng muốn giảm chi phí cho y tế thì cần phát hiện sớm ung thư.

* Tất cả các bệnh ung thư nếu tầm soát sớm sẽ can thiệp điều trị hiệu quả?

Một số các bệnh có tỉ lệ mắc giữa nam và nữ khác nhau. Đối với nữ thì lưu tâm giảm tỉ lệ ung thư vú, ung thư cổ tử cung… trong khi nam giới thường gặp ung thư phổi, gan… Mong muốn của chúng tôi về chương trình phòng chống ung thư quốc gia là cần có bản đồ dịch tễ. Muốn ghi nhận ung thư cần có đánh giá tốt, có khuyến cáo về mặt quản lý vĩ mô, có dự báo dịch tễ… tất cả những mong muốn này phải thực hiện từng bước.

* Như vậy phòng chống ung thư dễ hay khó?

Không nên đặt ra vấn đề dễ hay khó! Các chương trình y tế khác đều có những khó khăn, thuận lợi. Khi đánh giá thể bệnh mắc trong cộng đồng mới có nhìn nhận chính xác. Người bệnh đến y tế sớm sẽ phát hiện điều trị hiệu quả đối với các bệnh ung thư: vú, cổ tử cung, dạ dày, thanh quản, vòm họng… Hiện nay, y học tiến bộ các bệnh này được khám phát hiện sớm, kết quả điều trị tốt.

Để phòng chống ung thư hiệu quả phải có mạng lưới, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ chuyên môn. Mạng lưới từng bước hình thành, phù hợp với tình hình địa phương, thành lập khoa ung bướu ở các bệnh viện tỉnh có cơ sở vật chất, chức năng phù hợp khả năng kinh phí đầu tư. Chúng tôi kỳ vọng bên cạnh phát hiện sớm, việc điều trị tại chỗ cho người bệnh, đỡ phải đi lại, chuyển tuyến trên rất tốn kém cho người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh ung thư đều được điều trị tại chỗ, điều này tùy thuộc vào khả năng kinh nghiệm của bác sĩ, trang thiết bị… Vì vậy, việc xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư, từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung tâm các tỉnh - vùng có chức năng, nhiệm vụ từng cấp mục đích giảm tải được và giúp người bệnh đỡ tốn kinh phí di chuyển.

Quan trọng nhất để phòng chống ung thư là phải làm cho người bệnh hiểu khả năng điều trị, cách phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, dinh dưỡng, môi trường và nhiễm trùng.
DIỆU HIỀN