Sách thiếu nhi cho con

03:08, 29/08/2011

(LĐ online) - Chưa bao giờ, sách cho thiếu nhi lại nhiều và đa dạng như hiện nay. Với màu sắc rực rỡ, thể loại phong phú, khổ sách đủ kích cỡ và hình dáng, con cái thích thú như lạc vào thế giới thần tiên; phụ huynh vui mừng, nhưng bối rối…

(LĐ online) - Chưa bao giờ, sách cho thiếu nhi lại nhiều và đa dạng như hiện nay. Với màu sắc rực rỡ, thể loại phong phú, khổ sách đủ kích cỡ và hình dáng, con cái thích thú như lạc vào thế giới thần tiên; phụ huynh vui mừng, nhưng bối rối…

“Hình thức tuyệt vời, chất lượng in không chê vào đâu được, màu sắc tươi sáng, hình ảnh rõ nét, giấy dày - trắng - bóng, chữ vừa phải – dễ đọc… Mỗi cái là giá hơi cao!” – chị Hà (Hai Bà Trưng) vừa nói vừa chỉ xấp truyện tranh cô con gái 5 tuổi đang cầm trên tay. Chị lật bìa sau một quyển sách chỉ vào phần “giá” như để chứng minh. “Hơn chục trang vẽ mà gần chục ngàn đồng”.

Anh Trần Hữu Hùng – Cửa hàng trưởng Nhà sách Phương Nam cho biết: Hiện trong nhà sách có khoảng 5 ngàn đầu sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi của các nhà xuất bản: Kim Đồng, Giáo Dục, Trẻ, Lao Động, Mỹ Thuật… Truyện tranh thường mắc hơn do phần in ấn tốt, lượng phát hành ít, có kèm cả phí bản quyền, giá phổ biến từ 5 - 15 ngàn.

Các loại sách thiếu nhi được yêu thích.
Các loại sách thiếu nhi được yêu thích.
Sách được thiếu nhi ưa thích rất nhiều. Truyện trong nước như: Truyện cổ Việt Nam, Thần đồng Đất Việt, Tí quậy…; nước ngoài có Đôrêmon, Thám tử Cônan… Đây là những truyện bộ, nhưng cũng được các nhà xuất bản chia nhỏ, in thành từng tập mỏng, mỗi tập một truyện, trang trí bìa đẹp đáp ứng được nhu cầu của lứa tuổi thiếu nhi là không thích đọc sách dày, nhiều chữ, hơn nữa, cầm tập sách mỏng sẽ dễ dàng và thoải mái hơn. Những truyện được yêu thích là Tôn Ngộ Không, Truyện cổ Việt Nam, Truyện cổ thế giới, Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa…

Khoảng 5-7 năm trước, khi truyện tranh nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam, nhiều em thiếu nhi đã rất háo hức đón chờ và chăm chỉ thu thập mỗi tuần một tập. Và những bộ truyện “hot” ngày đó là “Thủy thủ mặt trăng”, “Đôrêmon”, “Thần đồng đất Việt”… nhiều em vẫn còn giữ được trên tủ sách của gia đình. Đến nay, những bộ truyện này đã được tái bản hàng chục lần, nhưng vẫn là những bộ truyện rất được thiếu nhi yêu thích.

Sách bây giờ quá đa dạng. Đối với trẻ nhỏ, chỉ có truyện tranh, tô màu, vẽ chữ thì không sao, nhưng các cô cậu học sinh cuối tiểu học và trung học cơ sở mà đọc những mẩu truyện từ sách báo với tiêu đề kiểu như: “Cô ấy nghĩ gì về mình?”, hoặc “Làm sao để xinh hơn trong mắt chàng?”… thì có lẽ không bậc cha mẹ nào có thể làm ngơ. Khi trẻ càng lớn, các loại sách càng đa dạng, trẻ lại tò mò về tâm lý, giới tính… tạo nên trào lưu tìm và truyền cho nhau đọc các loại sách như thế.

Cha mẹ không thể kiểm soát được là con đọc sách gì, có phù hợp với lứa tuổi hay không, có ảnh hưởng đến việc học hành của con cái không? “Dù vậy, cũng còn hơn internet. Sách khi xuất bản chắc phải được kiểm duyệt.” chị Minh (Chi Lăng) khẳng định – “Vì vậy, chỉ có thể định hướng các loại sách cho con đọc mà thôi”.

Anh Dũng (Ngô Quyền) chia sẻ: Trước kia, hai nhóc nhà mình rất thích games. Hở ra một chút là giành nhau máy tính. Mình không cấm, vì đó là biện pháp rất tiêu cực, mà khuyến khích chúng đọc sách để tìm hiểu về các trò chúng đang chơi. Nhân tiện đến hiệu sách, mình cũng giới thiệu cho các con những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Rồi đưa ra cơ chế để hai anh em cùng kiểm soát nhau. Vì vậy, các cháu tạo được thói quen tự giác trong mọi hoạt động. Đặc biệt mỗi lần đến nhà sách, chúng đều tìm xem, có loại sách nào mới!

Con chị Hạnh (Duy Tân) lại rất thích đọc sách. Chị kể: Cháu mới học lớp 3, rất hiếu động và rất mê đọc truyện. Mỗi ngày, ba mẹ đều phải kiểm tra bài vở rồi mới cho đi ngủ. Nhưng, cu cậu không ngủ mà thường chong đèn đọc sách rất khuya. Sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của con, chị chỉ cho phép cháu đọc 30 phút rồi phải tắt đèn ngủ. Nhưng một thời gian sau, chị lại phát hiện, con trai mình mang đèn trốn trong mền để đọc sách. Thế là, thay vì canh cho con học thuộc bài, chị phải canh cháu đi ngủ thực sự mới tới lượt mình ngủ.

Nhưng trường hợp của con chị Hạnh khá hiếm. Trẻ em bây giờ có nhiều lựa chọn để thu thập kiến thức và tìm hiểu cuộc sống, nên việc đọc sách trở nên buồn tẻ và không có nhu cầu. Ý thức được điều này, nhiều vị phụ huynh đã nhẫn nại duy trì thói quen đến nhà sách. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng trẻ có con trong tuổi mẫu giáo, tạo được thói quen dắt con đi nhà sách định kỳ, các bé được quyền chọn sách (thường là truyện tranh), mang về nhà để ba mẹ đọc cho nghe. Nhưng khi con vào tiểu học, cùng với việc các cháu biết đọc, hoặc không thích đọc sách nữa, thì nhiều phụ huynh cũng không còn giữ thói quen đưa con đi nhà sách.

Sống trong xã hội hiện đại, internet và tivi đã chiếm phần lớn thời gian của mỗi người, thu hút trẻ em vào phim, truyện, game… mà sao nhãng, hoặc không còn hứng thú đọc sách. Nhưng, vẫn còn nhiều em thiếu nhi rất ham mê đọc sách và niềm đam mê này cũng như ý thức đọc sách cần được cha mẹ và cộng đồng gây dựng và khuyến khích để tạo nên thói quen cho các em. Việc kiểm duyệt nội dung sách cho thiếu nhi cũng là vấn đề cần được quan tâm sâu sát từ khâu tuyển chọn nội dung, xuất bản, phát hành…

Lê Hoa