Sản phẩm thổ cẩm nhuộm màu tự nhiên mang tính bản sắc dân tộc cao

02:08, 30/08/2011

Việc điều tra, khảo sát các loài cây cho chất nhuộm tự nhiên ở Lâm Đồng và khả năng ứng dụng của nó trong ngành nhuộm dệt vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhằm giữ gìn nét văn hóa riêng cũng như sự độc đáo cho các sản phẩm thổ cẩm.

Hiện nay, việc sử dụng màu nhuộm tự nhiên từ các loại cây cho màu của các mặt hàng thổ cẩm còn rất ít. Vì vậy, việc điều tra, khảo sát các loài cây cho chất nhuộm tự nhiên ở Lâm Đồng và khả năng ứng dụng của nó trong ngành nhuộm dệt vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhằm giữ gìn nét văn hóa riêng cũng như sự độc đáo cho các sản phẩm thổ cẩm.
 
Nghề dệt thổ cẩm của DTTS ở Tây Nguyên. Ảnh: NGỌC MINH
Nghề dệt thổ cẩm của DTTS ở Tây Nguyên. Ảnh: NGỌC MINH

Bà Rơông K’Rô là người dệt thổ cẩm lâu năm nhất ở làng dệt thổ cẩm nổi tiếng Bnơr’C (xã Lát, Lạc Dương). Hơn 60 năm miệt mài bên khung dệt, đã lâu lắm rồi bà không còn tự nhuộm màu cho các sợi vải nữa, mà nhờ con mua chỉ màu có sẵn ngoài chợ đã được nhuộm sẵn với nhiều màu sắc để dệt. Xung quanh nhà bà cũng không còn những bụi cây dùng để nhuộm màu. Theo bà K’Rô, giờ ngoài chợ có sẵn chỉ đã nhuộm màu, thì mua về dệt cho đỡ mất công đi vào rừng tìm lá cây về nhuộm như trước. Cả làng dệt thổ cẩm Bnơr’C nhà nào cũng có người dệt thổ cẩm nhưng hầu hết không ai tự nhuộm màu cho sợi chỉ mà đều mua sẵn ở chợ. Khi được hỏi về việc nếu được đầu tư trồng các loại cây cho màu nhuộm tự nhiên để nhuộm vải dệt thổ cẩm và giá trị của sản phẩm nhuộm màu tự nhiên cao hơn sản phẩm nhuộm màu sẵn thì đa số người dân ở làng thổ cẩm Bnơr’C rất vui. Vì như vậy, họ sẽ giữ gìn được bản sắc dân tộc và phát huy ngành nghề truyền thống của mình. Nhiều du khách khi được hỏi cũng trả lời sẽ mua các sản phẩm thổ cẩm nhuộm màu tự nhiên dù giá thành có cao hơn, vì dùng các sản phẩm này an toàn hơn, màu sắc cũng “mang nét dân tộc hơn”, chị Ngọc - một du khách đến từ Hưng Yên cho biết.

Hiểu được nhu cầu bức thiết này, nhóm nghiên cứu đề tài thuộc Khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt đã lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng như xã Đạ K’Nàng (Đam Rông), xã Tu Tra, thôn Kalkil – Hòa Bình (Đơn Dương) để tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá trữ lượng của các loại cây cho chất nhuộm tự nhiên mà đồng bào DTTS bản địa đã từng biết đến. Với đề tài “Điều tra, khảo sát các loài cây cho chất nhuộm tự nhiên ở Lâm Đồng và khả năng ứng dụng của nó trong ngành nhuộm dệt vải thổ cẩm của đồng bào DTTS bản địa” đã được Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao về ý nghĩa và hiệu quả kinh tế cũng như nhận thức và thói quen của người dân về việc khai thác sử dụng tài nguyên rừng, xem tài nguyên rừng không phải là tài sản của rừng mà là tài sản của mọi người nên phải được bảo vệ. Qua kết quả điều tra, thu thập thông tin về các cây cho màu từ các hộ dân tại 40 xã thuộc 10 huyện trong tỉnh bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp và sử dụng phiếu điều tra thì nhóm nghiên cứu thấy rằng, theo hiểu biết của người dân đồng bào 8 dân tộc thiểu số như K’Ho, M’Nông, Châu Mạ, Tày, Chu Ru… thì hiện nay, Lâm Đồng có 22 loài cây cho màu nhuộm tự nhiên đã từng và một số đang được người dân sử dụng. Các loài cây cho màu ở Lâm Đồng theo hiểu biết của người dân bản địa như cẩm đỏ, núc nác, R’cong (giang núi), chàm đen (T’rum), chàm mèo (T’rum mêl)… Và trong tổng số 300 người dân được điều tra, kết quả nhóm nghiên cứu đã xác định được 7 loại màu tự nhiên mà người dân đã từng và đang sử dụng để nhuộm vải bao gồm màu xanh lá cây, đỏ, tím, vàng, chàm, đen, nâu. Theo kết quả điều tra dân gian, hiện nay ở Lâm Đồng có 35 loài cây cho chất nhuộm thuộc 25 họ thực vật cho 7 màu khác nhau. Tuy nhiên, số người sử dụng còn rất ít, số người biết đến tất cả các loài cây cho màu chủ yếu trên 65 tuổi. Như vậy, những tri thức dân gian về các cây cho chất nhuộm và nghề nhuộm màu tự nhiên cho sản phẩm thổ cẩm đang bị mai một dần. Đánh giá sơ bộ trữ lượng của các loài cây cho chất nhuộm ở Lâm Đồng, 19 loài có trữ lượng trung bình, 10 loài có trữ lượng nhiều và 6 loài có trữ lượng ít. Như vậy, đa số các loài cây cho chất nhuộm ở Lâm Đồng đều đang có trữ lượng trong tự nhiên tương đối lớn, có thể khai thác và nhân trồng để lấy nguyên liệu thu chất màu. Nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng và hoàn thiện 2 quy trình tách chiết chất màu tự nhiên, bao gồm: Quy trình tách chiết màu chàm và quy trình tách chiết màu đen. Từ các chất màu thu được nhóm đã xây dựng và hoàn thiện 2 quy trình nhuộm màu chàm và nhuộm màu đen lên sợi cotton. Các sợi cotton nhuộm màu chàm và màu đen tự nhiên sau khi đánh giá độ bền với yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, xà phòng… thì thấy độ bền màu tương đối tốt, có thể sử dụng làm sợi dệt vải thổ cẩm.

Lâm Đồng là vùng đất có triển vọng về phát triển nguồn tài nguyên cây cho chất nhuộm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này chủ yếu mọc hoang trong tự nhiên, vì vậy, cần có những quy hoạch cụ thể về vùng trồng các cây cho chất màu (đặc biệt là cây bụi lâu năm) để cung cấp chất nhuộm và góp phần cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS bản địa, thì cần có những chính sách từ các cấp chính quyền hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm.

Tuấn Hương